Khác với trẻ em, sởi ở người lớn nguy hiểm nhất là biến chứng viêm não, các biến chứng nặng khác như liệt, động kinh. Tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân bị biến chứng khá cao, khoảng 15%. Tuy nhiên vì quan niệm sởi chỉ xuất hiện ở trẻ em, nhiều người đang chủ quan với căn bệnh này.
Từ đầu năm 2019 đến nay, số ca nhập viện do sởi tại TP.HCM có dấu hiệu gia tăng đột biến. Hiện nhiều khoa, phòng tại các bệnh viện đã rơi vào tình trạng quá tải khi trẻ em, người lớn cuống cuồng nhập viện vì sởi bùng phát. Theo ghi nhận của PV tại khoa Nội A, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, có đến 50% số bệnh nhân đang điều trị sởi tại đây là người lớn.
Theo BS Hồ Sĩ Dũng (Giảng viên ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch), sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch, lây lan dễ dàng và rất nhanh qua đường hô hấp. Bệnh sởi hầu hết có thể tự khỏi nhưng trong một số trường hợp có thể gây ra một số biến chứng. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên dễ bội nhiễm các tác nhân gây bệnh khác.
Trong nhóm người lớn mắc sởi, BS Dũng cho biết cần đặc biệt lưu ý đối tượng là phụ nữ có thai. “Những thai phụ bản thân miễn dịch đã kém, nếu mắc sởi sẽ khiến hệ miễn dịch kém hơn rất nhiều, dễ dẫn đến mắc thêm các bệnh khác như viêm phổi, nhiễm trùng tiểu. Ngoài ra, mắc sởi trong 3 tháng đầu mang thai có thể gây dị tật ở thai, ở 3 tháng giữa có thể gây sảy thai, thai lưu và 3 tháng cuối có thể gây sinh non trên thai phụ.
Do đó, phụ nữ mắc sởi khi đang mang thai được khuyến cáo nhập viện để theo dõi, can thiệp y tế kịp thời. Thai phụ sẽ được hỗ trợ về >dinh dưỡng, theo dõi sát những dấu hiệu sinh non để kịp thời đưa thai phụ đến những bệnh viện chuyên khoa hỗ trơ sinh sản nếu có bất kì dấu hiệu nào khác thường”, BS Dũng nói.
Sau khi vi rút xâm nhập vào cơ thể, trong vòng 1-2 tuần, người bệnh không biểu hiện bất kì triệu chứng gì. Đôi khi thời kỳ ủ bệnh có thể kéo dài đến ba tuần. Điều đáng nói là, người mang vi-rút không triệu chứng có thể lây nhiễm cho những người mà họ tiếp xúc.
Các triệu chứng đầu tiên của bệnh xuất hiện sau khi hết thời kỳ ủ bệnh là biểu hiện của cảm lạnh: sốt nặng, ho, chảy nước mũi, hội chứng suy nhược. Sau đó người bệnh có thể có viêm kết mạc, phát ban dạng sởi ở mặt và trên cơ thể. Bệnh nhân có thể sốt lên đến trên 40 độ C.
Bắt đầu từ ngày thứ năm sau khi xuất hiện phát ban đỏ, bệnh thoái lui và bệnh nhân dần hồi phục. Tuy nhiên ở một vài bệnh nhân, biểu hiện phát ban có thể biến mất chậm trong 2 tuần, mặc dù bệnh nhân đã qua giai đoạn toàn phát.
Theo BS Dũng, hiện nay vắc xin sởi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa sởi. Trẻ đủ 9 tháng cần được đưa đến các cơ sở y tế để tiêm ngừa sởi và tiêm nhắc lại vào lúc đủ 18 tháng. “Đối với người lớn, cần áp dụng các biện pháp dự phòng chung như đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người hoặc bệnh viện. Bên cạnh đó cần thường xuyên rửa tay bằng các loại thuốc sát trùng nhất là sau khi tiếp xúc với trẻ em mắc bệnh.” BS Dũng nhấn mạnh.