Mấy ngày qua, TP HCM và các tỉnh phía Nam đang có những đợt nắng nóng đỉnh điểm. Vì vậy, số lượng bệnh nhân nhập viện do viêm đường hô hấp, viêm phổi, đột quỵ, sốc nhiệt, đặc biệt là bệnh liên quan đến tiêu hóa tăng cao đột biến.
Theo ghi nhận, tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2, rất nhiều phụ huynh đưa con đến khám bệnh do thời tiết nắng nóng.
Trẻ em dễ bị bệnh hô hấp, rối loạn tiêu hóa
Chị N.T.M.L (28 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) cho biết cách đây 3 ngày, con chị (2 tuổi) sau khi dùng cháo xong thì có dấu hiệu đau bụng, nôn, đi cầu nhiều lần, người nóng hâm hấp. Lo lắng, chị đưa bé đến BV cấp cứu.
Tại Khoa Khám bệnh, BV Nhi đồng 1, dù đã quá trưa vẫn còn rất đông trẻ nhỏ chờ khám chữa bệnh. Chị N.M.A (32 tuổi, ngụ quận 10) uể oải cho biết cách đây 2 ngày, con gái chị (3 tuổi) đi học về than mệt, ho, sốt, chị cho bé uống hạ sốt, si rô ho. Tuy nhiên, tình trạng bé càng nặng hơn nên gia đình đưa bé đến khám, các bác sĩ (BS) cho biết bé bị viêm đường hô hấp.
BS Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhi đồng 1, cho biết dù chưa vào đỉnh điểm của mùa nắng nóng nhưng những ngày qua, BV tiếp nhận bình quân 5.500 bệnh nhi nhập viện mỗi ngày, tập trung chủ yếu là bệnh tiêu hóa (chiếm 8%) và hô hấp (chiếm 10-15%).
Còn theo BS Lê Công Thiên, phó khoa Khám bệnh, BV Nhi đồng 2, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 5.000 bệnh nhân đến khám ngoại trú, trong đó số bệnh nhân mắc các bệnh về tiêu hóa tăng 10% -15% so với các tháng trước, số bệnh nhân nặng phải nhập viện khá nhiều, khoa đang trong tình trạng quá tải.
Lý giải về việc số trẻ nhập viện tăng cao trong những ngày gần đây, BS Hoàng cho rằng nắng nóng khá gay gắt và kéo dài đã làm sức đề kháng của trẻ kém đi, khiến các vi khuẩn, virus nguy hiểm gây hại cho >sức khỏe dễ dàng ảnh hưởng, xâm nhập vào cơ thể trẻ. Cùng với đó, việc các bậc cha mẹ để nhiệt độ máy lạnh trong phòng quá thấp, bật quạt mạnh thổi thẳng vào mặt hoặc để trẻ uống nước đá cũng khiến trẻ dễ đổ bệnh.
Người lớn cũng nhập viện
Tại BV Thống Nhất, lượng bệnh nhân cao tuổi đến điều trị cũng tăng rõ rệt, so với tháng trước chiếm 95% tổng số bệnh nhân. Bác sĩ Vũ Thị Minh Phương, Trưởng khoa Cấp cứu BV Thống Nhất, cho biết các chứng bệnh xuất hiện nhiều trong những ngày qua là tăng huyết áp, tim mạch, viêm phế quản, các bệnh lý về khớp.
BS Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc BV Đa khoa Sài Gòn, cũng cho biết số lượng bệnh nhân nhập viện do viêm đường hô hấp, viêm phổi, đột quỵ… do nắng nóng tăng từ 5-10%.
"Nắng nóng khiến số ca đột quỵ gia tăng ở người lớn tuổi. Nguyên nhân do cơ thể mất nước, làm tăng độ kết dính trong máu, dẫn đến khả năng xuất hiện các cục máu đông, nguy cơ gây đột quỵ cao. Do vậy, khi người lớn tuổi thấy có các dấu hiệu như thân nhiệt tăng cao, vã mồ hôi, tim đập nhanh, thở dốc, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu dữ dội thì nên đến cơ sở y tế để thăm khám. Mặt khác, người già và trẻ em nên tránh ra đường vào những khung giờ từ 10 giờ sáng đến 15 giờ, đây là thời điểm nắng gắt, tia tử ngoại cao. Đối với trẻ em, nên sử dụng máy lạnh ở mức độ vừa phải, dùng quạt ở mức thấp, không nên để cố định và quạt trực tiếp vào người. Lưu ý việc thay đổi nhiệt độ đột ngột từ môi trường nóng vào lạnh và ngược lại.