Một bà mẹ Malaysia đã bị sốc khi phát hiện ra một loại cây trồng trong nhà gây ảnh hưởng tới sức khỏe cho cô con gái nhỏ sau khi cô bé vô tình cắn phải. Bà mẹ sau đó đã viết một bài đăng về nó trên Facebook để cảnh báo mọi người.

05:59 25/06/2019

Theo chia sẻ của người mẹ, vì mải chăm sóc đứa con thứ hai còn nhỏ nên cô đã để con gái lớn Nashwa 4 tuổi chơi một mình trong một thời gian. Sau khi chơi được một lúc, Nashwa đột nhiên chạy đến chỗ mẹ và khóc nức nở. 

Lo lắng con gặp vấn đề gì nên người mẹ đã kiểm tra khắp người con nhưng không thấy có vết thương hay bầm tím trên cơ thể. Ban đầu, Nashwa còn không muốn kể cho mẹ nghe chuyện gì đã xảy ra nhưng sau nhiều lần dỗ dành, cô bé nói rằng đã cắn lá của một trong những cây cảnh xung quanh nhà. 

Người mẹ lo lắng nên đã lên mạng tìm kiếm và phát hiện ra rằng loại cây mà con gái cắn phải là cây vạn niên thanh, thường làm cây cảnh trong nhiều gia đình. Nhựa cây từ cây này chứa các tinh thể canxi oxalate hình kim gọi là raphides. Khi nhai phải lá cây, nhựa cây có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu bao gồm tê, kích ứng miệng, chảy nước dãi quá nhiều và sưng cục bộ.

Sau khi cắn lá cây vạn niên thanh, cô bé Nashwa vẫn khóc nức nở và không thể ngậm miệng lại vì môi có biểu hiện co giật. Miệng cô bé cũng chảy nước dãi không kiểm soát được nên người mẹ phải nhanh chóng đưa con đến bệnh viện. 

Bác sĩ nói rằng thật may mắn khi cô bé không nuốt phải cây vì nó có thể khiến đường hô hấp bị chặn. Bác sĩ đã kê đơn một số loại thuốc và cô bé cũng đã mau chóng hồi phục. 

Sau sự việc bất ngờ, người mẹ đã cảnh báo các bậc cha mẹ khác về loài cây cảnh dù có thể vô hại nhưng nếu không cẩn thận có thể gây ra những tai nạn khó lường. Để đảm bảo an toàn, các gia đình nên để các loại cây này tránh khỏi tầm với của trẻ hoặc có thể không để loại cây này trong gia đình. 

Nhựa cây vạn niên thanh có thể gây hại như thế nào?

Cây vạn niên thanh có tên khoa học Dieffenbachia cultiva, thuộc họ ráy (Araceae), thân mềm, lá màu xanh đốm trắng, được trồng làm kiểng trong nhà ở nhiều nơi trên thế giới.

Độc tính của cây chủ yếu là do tinh thể calcium oxalate trong tế bào cây. Ngoài ra còn do các enzyme phân giải protein trong các tế bào tạo tinh thể. Nếu vô tình nhai phải lá cây, những tinh thể calcium oxalate có thể gây ra cảm giác ngứa, đau rát, phù trong miệng và đường tiêu hóa, sùi bọt mép, nôn mửa. Đa số trường hợp bị >ngộ độc là trẻ nhỏ hoặc thú nuôi trong nhà.

Tuy nhiên các triệu chứng này thường nhẹ và có thể chữa trị bằng thuốc giảm đau, thuốc kháng Histamine hay than hoạt tính. Người bị dính độc của cây cũng không cần phải súc rửa đường tiêu hóa như các loại ngộ độc khác và có thể tự khỏi mà không cần chữa trị đặc biệt nào.

Vạn niên thanh tuy có độc nhưng chỉ ở một chừng mực nhất định nếu nuốt phải hoặc bị dính mủ cây với lượng lớn chứ không gây chết người cực nhanh. Ngoài ra không phải ai cũng bị những triệu chứng trên mà tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người.

Theo Hoàng Dương/Khám Phá