Sau khi uống sữa Glico, bé 5 tháng tuổi ở Thanh Hóa bị sốc phản vệ, nguy hiểm tính mạng.

06:35 23/04/2019

Anh Lê Huy Dương, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Hợp Lực (Thanh Hóa), cho hay bản thân vừa trải qua ngày kinh hoàng nhất trong cuộc đời của mình khi đứa con 5 tháng tuổi vừa >sốc phản vệ sau khi uống sữa Glico (một nhãn hiệu khá quen và nổi tiếng của Nhật).

Ngày 11/4, do vợ anh đi công tác để lại sữa mẹ cho bé thứ 2 uống nhưng không đủ, bà đã cho bé uống thêm loại sữa này.

Loại sữa khiến con anh Dương bị sốc phản vệ. Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên, chỉ sau 30 phút, bé bị nổi mẫn đỏ. Nghĩ là dị ứng thông thường, anh bảo bà cho con cho uống 1/3 viên clopheniramin 4 mg.

Đến 11h40, khi anh Dương đi làm về, bé vẫn chơi, ban đỏ ngoài da khắp người (không nổi mẩn). Lúc này, đột nhiên bé nôn ra sữa, đồng thời đầu ngón tay, ngón chân tím lại.

Ngay lập tức, anh Dương cho rằng con bị sốc phản vệ nặng và là tình huống cấp cứu tối cấp nên nhanh chóng tiêm 0,2 ml adrenalin 1 mg vào bắp đùi cho bé. Sau đó, anh chở bà và bé lên Bệnh viện Nhi Thanh Hoá trong 5 phút. 

Tại khoa Hồi sức tích cực, bé có dấu hiệu tụt huyết áp, môi nhợt nhạt. Các bác sĩ cấp cứu theo phác đồ chống sốc và nhận thấy tình trạng của bé tiến triển tích cực.

Tuy nhiên, 15h, tình trạng của bé lại có diễn tiến xấu, bác sĩ quyết định đặt nội khí quản cho thở máy, đặt tĩnh mạch trung tâm và dùng phối hợp các thuốc vận mạnh. Đến 18h, các dấu hiệu sinh tồn cho thấy bé sẽ không qua khỏi .

Là người trong nghề nên người cha này biết sốc phản vệ quan trọng nhất là phải xử trí nhanh và tại chỗ, việc chuyển viện quá nguy hiểm. Sau khi "cân não", anh quyết định vẫn đưa con lên tuyến trên.

22h30, khi xe vừa vào đến cổng Bệnh viện Nhi Trung ương, bình oxy hết, máy thở ngừng hoạt động, các bác sĩ đi cùng phải bóp bóng. Anh ôm con và cùng nhau chạy vào phòng cấp cứu trong tình trạng mạch không bắt được, huyết áp không đo được. Sau khi tiến hành nhiều thủ thuật, bé có lại mạch nhưng tình trạng vẫn rất nguy kịch, cơ hội sống 1-2%.

Tuy nhiên, theo anh Dương, phép màu đã xảy ra với con anh. Sau hơn một ngày tại phòng Hồi sức tích cực, bé cai được vận mạch, sau 3 ngày cai máy thở và lọc máu, tình trạng tiến triển đi lên và được ra khỏi phòng cách ly sau 3 ngày. Chiều 18/4, bệnh nhi được xuất viện.

"Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi Trung ương cũng khẳng định ca này thật vĩ đại, cháu vừa được sinh ra thêm lần nữa", anh Dương nghẹn ngào.

Qua câu chuyện của con mình, anh Dương khuyến cáo quan niệm chỉ tiêm thuốc mới có nguy cơ phản vệ là sai. Sốc phản vệ do đường tiêu hoá khá cao và mức độ nguy kịch không khác tiêm thuốc, đặc biệt ở những người có cơ địa dị ứng. Lưu ý, bố mẹ có cơ địa dị ứng, con có nguy cơ dị ứng rất cao.

“Không chỉ trường hợp bé nhà tôi bị sốc phản vệ sữa, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều ca tương tự. Ngày 17/4, khi bé nhà mình còn đang ở viện, một bé 7-8 tháng tuổi bị sốc phản vệ sau khi ăn lòng đỏ trứng gà, vào viện đã tím tái không biết có qua khỏi không. Việc ăn hải sản, hoặc đi bơi bị sứa quẹt vào da cũng có nguy cơ sốc phản vệ và tử vong tại chỗ nếu không cấp cứu kịp thời”, anh Dương chia sẻ thêm.

Theo Hà Quyên/Zing