Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh vừa phẫu thuật cấp cứu thành công cho bệnh nhi 2 tuổi mắc dị tật niệu quả đôi bên trái (có 3 thận).
Bé Hoàng Thị Hồng N. (2 tuổi, Móng Cái, Quảng Ninh) bị đi tiểu buốt, tiểu rắt... Phụ huynh đưa bé đến khoa Ngoại và chuyên khoa, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh kiểm tra. Kết quả lâm sàng, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cho thấy trẻ mắc dị tật niệu quản đôi hoàn toàn bên trái (có 3 thận), giãn thận - niệu quản do túi sa lồi trong bàng quang.
Qua hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị thận - niệu quản đôi bên trái, đơn vị thận trên hoàn toàn mất chức năng. Bệnh nhi N. được chỉ định phẫu thuật cắt đơn vị thận trên bên trái.
Ca phẫu thuật diễn ra trong khoảng hơn một giờ. Sau ca mổ cấp cứu thành công, hiện mạch và huyết áp bệnh nhân ổn định. Trẻ đang theo dõi tại khoa Ngoại và chuyên khoa.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng - người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi khuyến cáo các bậc phụ huynh nên chú ý đến những dấu hiệu thay đổi bất thường ở trẻ. Để tránh bệnh trở nên nghiêm trọng, cha mẹ nên đưa con đi khám sớm.
Các biểu hiện của thận - niệu quản đôi:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Bệnh nhân có thể sốt, rét run, nước tiểu đục.
- Đái rỉ: Nước tiểu cứ rỉ ra liên tục từ lỗ niệu. Ở trẻ gái, nước tiểu rỉ ra từ chỗ cạnh lỗ niệu hay từ âm đạo. Tình trạng này gây ra sự ẩm ướt và mùi khai khó chịu. Ở trẻ nhỏ, nước tiểu gây hăm, loét vùng sinh dục ngoài và bẹn.
- Tiểu kh: Bệnh nhân rất khó chịu và đau tức. Ở trẻ gái, có thể thấy một khối tròn nhỏ chui ra từ lỗ tiểu, bịt kín lỗ này.
- Bàng quang căng to: Nhìn vùng dưới rốn thấy có một khối nổi lên, nắn vào thì bệnh nhân rất đau tức và muốn tiểu, nhưng không tiểu được.
- Thận - niệu quản giãn căng: Nhìn thấy một bên mạn sườn căng phồng, to hơn bên đối diện. Nắn thấy một khối u mềm, căng.
Bệnh nhân thận - niệu quản đôi có thể bị gầy sút, mệt mỏi, đôi khi phù nhẹ toàn thân. Để xác định bệnh, ngoài khám lâm sàng, người bệnh cần được xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm, chụp X-quang thận - niệu quản và bàng quang.