Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 90% số nhà thuốc tại Việt Nam bán thuốc kháng sinh không kê đơn, 87% người dân có thể dễ dàng đến nhà thuốc mua kháng sinh không theo đơn của bác sĩ. Điều này khiến cho vấn đề kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam ngày càng trở nên trầm trọng.

05:53 29/03/2019

Khi người bán thuốc trở thành... bác sĩ

Cháu Nguyễn Nhật H (7 tuổi, Sơn Tây, Hà Nội) thường xuyên phải đi bệnh viện khám và điều trị các triệu chứng như ho, sổ mũi, thở khò khè... Nguyên nhân là do phụ huynh của bé lạm dụng kháng sinh. Cứ thấy con có biểu hiện ốm sốt, là chị Nguyễn Thu Thủy - mẹ cháu H - lại ra hiệu thuốc gần nhà mua thuốc theo “chỉ định” của người bán thuốc. “Tôi cứ kể bệnh đến đâu, cô bán thuốc lại kê thuốc đến đó. Họ bảo phải uống kháng sinh mới khỏi được, uống kháng sinh thêm 2 ngày sau khi hết triệu chứng để diệt vi khuẩn. Phải mua thuốc ngoại và đắt tiền mới không độc. Kháng sinh phải kèm nhiều thứ khác mới có tác dụng” - chị Thủy cho hay.

Phóng viên đã khảo sát một số nhà thuốc trên địa bàn TP.Hà Nội, ghi nhận được tình trạng mua kháng sinh dễ như mua rau, không cần kê đơn của BS. Tại nhà thuốc H.V (phố Lê Lợi, TX.Sơn Tây, Hà Nội), sau khi PV trình bày một số triệu chứng mắc phải như ho rát cổ, đau họng, sổ mũi... người bán thuốc đã bán cho PV 3 loại thuốc giá 166.000 đồng, dặn uống trong 5 ngày gồm Haginat 500, sáng uống 1 viên chiều 1 viên, loại 2 là thuốc Betalestin và thuốc Pharcoter, sáng uống 2 viên, chiều 2 viên. Khi được hỏi, bán thuốc kháng sinh có cần đơn không, người bán thuốc thản nhiên trả lời: “Chị vào bác sĩ mà khám lấy đơn, chỉ mất thêm tiền thôi chứ khác gì?”.

Người bán thuốc đang bán kháng sinh cho một khách hàng. Kháng sinh mà PV mua được sau khi nói vài triệu chứng mắc phải (ảnh nhỏ). Ảnh: Lao Động.

Tại nhà thuốc T.N (Phú Thịnh, TX.Sơn Tây), một người phụ nữ cho biết con chị hay bị chảy máu cam, người bán hàng quả quyết luôn “phải cho uống C ngay”, sau đó bán một hộp C và dặn dò cách uống.

BS Đào Hồng Ngự - Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy - cho biết: Người dân giữ thói quen có bất kỳ dấu hiệu bệnh lý nào như ho, sốt, cảm… là ra hiệu thuốc và đa số thuốc mua về đều có thuốc kháng sinh. Nhiều bệnh nhân tự ý mua thuốc kháng sinh, uống thuốc không đúng chỉ định, liều lượng, uống loại này không đỡ lại chuyển sang loại khác dẫn đến tình trạng bị kháng nhiều loại thuốc kháng sinh.

Điều tồi tệ nhất là khi bệnh nhân bị vi khuẩn đa kháng thuốc xâm nhập dẫn đến việc điều trị thuốc kháng sinh không còn tác dụng. Nguy cơ tử vong cao vì suy đa tạng, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết… Vì vậy để việc điều trị thuốc kháng sinh có hiệu quả, tất cả các bệnh lý về vi khuẩn cần phải được bác sĩ khám và kê đơn điều trị.

Theo ước lượng thống kê, mỗi ngày Khoa Hô hấp Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận điều trị 10 bệnh nhân có bệnh lý về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản bội nhiễm, nhiễm trùng đường hô hấp… Trong đó có khoảng 80% số bệnh nhân phải điều trị bằng thuốc kháng sinh và khoảng 50% trường hợp bệnh nhân có kháng từ ít nhất 1-2 loại kháng sinh.

Theo khảo sát của Bệnh viện Chợ Rẫy, khoảng một nửa thuốc kháng sinh được bác sĩ kê đơn là bất hợp lý. Nhiều bác sĩ chỉ định kháng sinh cho bệnh nhân không nhiễm khuẩn, kéo dài và không cần thiết... Phần lớn vi khuẩn đường ruột E.coli, vi khuẩn gây nhiễm trùng K. pneumoniae, vi khuẩn A.baumannii (gây nhiễm khuẩn bệnh viện)... >kháng kháng sinh.

 

Giải pháp nào?

Theo Bộ Y tế, kháng thuốc là hiểm họa ngày càng lớn đối với con người và nền kinh tế Việt Nam do việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu kiểm soát trong y tế cũng như trong chăn nuôi. Đặc biệt báo động hơn khi nó đang xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường sinh thái.

Từ năm 2013 Bộ Y tế đã cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đối tác phát triển đã ký kết văn bản thỏa thuận cam kết đa ngành về phòng, chống kháng thuốc.

Đồng thời thành lập 9 tiểu ban giám sát kháng thuốc; thiết lập mạng lưới giám sát vi khuẩn kháng thuốc trong các cơ sở khám-chữa bệnh; xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn giai đoạn 2016-2020; hướng dẫn sử dụng, quản lý kháng sinh trong các cơ sở khám-chữa bệnh và triển khai thực hiện đề án kê đơn và kiểm soát kê đơn, giảm tối đa việc bán thuốc kháng sinh không đơn... nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ chức Y tế thế giới “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa”.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc trên toàn bộ các nhà thuốc và tủ thuốc đang được Bộ Y tế thực hiện thí điểm tại 4 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Nam Định cũng đang được kỳ vọng sẽ “khống chế” được phần nào tình trạng bán kháng sinh tràn lan không theo đơn như hiện nay.

“Đây được coi là giải pháp hữu hiệu giúp người dân thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả từng loại thuốc; cơ quan nhà nước có thêm công cụ quản lý thuốc trên phạm vi toàn quốc, kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý thuốc” - đại diện Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết.

Riêng tại Hà Nội, theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, hiện có 1.470 cơ sở bán buôn, 3.770 nhà thuốc và 2.560 quầy thuốc. Qua kiểm tra đánh giá về công tác triển khai ứng dụng CNTT kết nối mạng cơ sở, các cơ sở bán lẻ thuốc của Hà Nội đã có ý thức áp dụng CNTT trong quản lý thuốc. Tuy nhiên, chưa áp dụng nhiều do mới là tự phát và chủ yếu áp dụng để quản lý về tài chính.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết: Hà Nội đang hoàn thành kết nối 100% cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nhà thuốc, quầy thuốc trong các bệnh viện/trung tâm y tế công lập, quầy thuốc/tủ thuốc của trạm y tế xã. Đến 30.6.2019, hoàn thành 100% các quầy thuốc tư nhân, quầy thuốc thuộc doanh nghiệp.

Thông qua phần mềm, chỉ cần nhập tên thuốc có thể tra ra từng nhà thuốc trên địa bàn Hà Nội có bao nhiêu viên, thuộc lô sản xuất nào. Thông qua đây, trong trường hợp cần thu hồi sẽ dễ dàng hơn. 

Theo Đức Vân/Lao Động