Nếu bạn không thể thư giãn khi có người nói: "Chỉ cần bạn hít thở thôi mà", có thể bạn đã làm sai và chưa tận dụng được hết lợi ích của việc hít thở sâu.
Hít thở sâu cực kỳ tốt cho bạn. Nó đưa cơ thể bạn vào một trạng thái thư thái hơn, giải tỏa các căng thẳng và mang đến sự rõ ràng, sáng suốt. Nhưng để >hít thở sâu đúng cách thì có thể không hề dễ dàng như bạn tưởng.
Chuyên gia tư vấn học đường Camille Ko chia sẻ: "Khi được áp dụng đúng thời điểm (ví dụ, khi cơ thể phát tín hiệu đang bị stress thông qua nhịp tim tăng, hàm cứng lại), hít thở sâu có thể giúp bạn không bị bùng phát cảm xúc tiêu cực. Nhiều người đã thử hít thở sâu khi họ đang ở mức 10/10 trên thang điểm của cơn giận. Nhưng thực sự thì bạn nên hít thở sâu ngay khi đạt mức 5/10. Bởi một khi đã tới đỉnh cơn giận thì bạn không thể suy nghĩ thông suốt hay làm cho bản thân bình tĩnh được nữa".
Đó chính là lý do bạn nên đặc biệt chú ý tới các phản ứng của cơ thể. Nhờ đó, bạn có thể áp dụng kỹ thuật hít thở sâu kịp thời và tránh những tác hại xảy ra.
Hít thở sâu đúng cách được hoàn thành nhờ 2 điểm: Hít thở từ phần cuối của phổi và thời gian thở ra dài hơn thời gian hít vào. Theo Peggy Santosa, giáo viên yoga chuyên về kiểm soát hơi thở tại The Yoga School tiết lộ: "Khi bạn thở ra dài hơn so với hít vào, thông điệp được gửi tới não bộ và nó được hiểu là: Bạn đang chuyển cơ thể từ trạng thái hoạt động sang trạng thái thư giãn". Tóm lại, khi bạn hít thở nông và ngắn, tâm trí sẽ nói với cơ thể rằng, hãy cứ duy trì trạng thái "chiến đấu". Nếu vậy, việc giữ bình tĩnh sẽ trở thành bất khả thi.
Bạn có thể không nhận ra, nhưng phần lớn thời gian, bạn hít thở mà chỉ sử dụng phần trên của phổi. Điều này đồng nghĩa với việc, hơi thở xuất phát từ ngực và thường rất nông. Cách hiệu quả nhất để có những hơi thở thật sâu, theo cô Peggy là thông qua hít thở bằng bụng.
Cụ thể như sau:
Bước 1:
Đặt 1 bàn tay lên ngực, bàn tay còn lại lên bụng. Làm như vậy giúp bạn cảm nhận rõ hơn các chuyển động khi hít thở.
Ngồi thẳng lưng và giải phóng sự căng thẳng ở bụng bằng cách phình bụng ra. Bàn tay đặt trên bụng của bạn nên cảm nhận được chuyển động này.
Bước 2:
Hít một hơi thật sâu khi bạn căng bụng lên. Lúc này, bạn nên cảm nhận được bàn tay đặt trên bụng di chuyển hướng ra ngoài bởi cơ hoành và lồng ngực đều đang nở rộng. Nín thở trong khi đếm thầm từ 1 tới 6.
Bước 3:
Thở ra thật từ từ, trong vòng từ 1 đến 7. Khi đếm thầm tới 7, bạn nên cảm nhận được hơi thở của mình đã hoàn toàn được giải phóng. Cơ thể lúc này thấy thư giãn hơn và tâm trí sáng rõ hơn.
Bước 4:
Lặp lại các bước trên cho tới khi bạn hoàn toàn bình tâm.
Cưỡng lại thói quen hóp bụng khi hít vào
Thông thường, bụng bạn sẽ hóp lại khi bạn hít vào. Nhưng làm vậy thực sự gây căng ở bụng, từ đó, tạo áp lực lên cơ hoành (cơ lớn nhất ở cuối phổi). Điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ không thể đổ đầy oxy vào phổi một cách hoàn toàn bởi vì cơ hoành bị bó hẹp. Nếu phổi không giãn nở đầy đủ, bạn không thể tối ưu hóa hơi thở của mình.