Kali vốn được biết đến là một khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của cơ bắp. Do đó, nếu cơ thể thiếu kali thì bạn sẽ gặp phải một vài triệu chứng sau.
Kali là một trong 7 khoáng chất vi lượng mà cơ thể cần nhiều ngoài canxi, magie, phốt pho... Chức năng chính của kali giúp điều chỉnh sự cân bằng dịch trong cơ thể, đồng thời kiểm soát hoạt động của tim và cơ bắp. Do đó, khi cơ thể không được cung cấp đủ kali thì nó sẽ xuất hiện một vài dấu hiệu bất thường sau.
Rối loạn nhịp tim
Khi nhịp tim của bạn đập nhanh hoặc chậm hơn bất thường thì cần chủ động đi khám ngay vì điều này cảnh báo lượng kali trong cơ thể bạn đang sụt giảm trầm trọng, từ đó gây rối loạn nhịp tim. Lúc này, tình trạng thiếu kali còn có thể gây tử vong nếu không được xử lý kịp thời.
Cơ bắp yếu, hay bị chuột rút
Kali là loại khoáng chất quan trọng giúp cơ bắp thêm săn chắc, khỏe mạnh. Do đó, nếu cơ thể không có đủ kali thì hiện tượng chuột rút sẽ xuất hiện nhiều hơn, kèm theo tình trạng đau cơ, yếu cơ...
Da khô, nổi mụn trứng cá
Tình trạng thiếu kali cũng có thể biểu hiện qua các triệu chứng như da khô, nổi mụn trứng cá, hoặc gặp vấn đề về tiêu hóa. Tất cả các triệu chứng này đều có thể cảnh báo nhiều căn bệnh khác nhau. Thế nên, bạn cần chủ động đi kiểm tra >sức khỏe ngay khi gặp phải những dấu hiệu bất thường này trên da.
Táo bón
Khi lượng kali trong cơ thể quá thấp thì nó sẽ ảnh hưởng xấu tới các chức năng khác trong cơ thể, và hệ tiêu hóa của bạn cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng táo bón, đầy hơi, chướng bụng...
Huyết áp tăng cao
Nếu nồng độ kali trong cơ thể bạn quá thấp thì nó cũng gây ra tình trạng huyết áp tăng cao, nhiều khả năng còn dẫn đến đột quỵ. Lúc này, bạn nên bổ sung thêm kali để giúp thư giãn thành mạch máu, từ đó giúp huyết áp dần trở lại trạng thái ổn định.
Sưng phù toàn thân
Khi bạn tiêu thụ quá nhiều đồ hộp hay các loại thực phẩm chế biến sẵn thì lượng kali trong cơ thể cũng sẽ bị sụt giảm. Do những loại thực phẩm này có chứa nhiều natri nên gây ra tình trạng phù toàn thân vì cơ thể tích muối, giữ nước. Vậy nên, hãy cắt giảm bớt lượng thức ăn mặn tiêu thụ trong ngày để giúp kali giữ lại trong cơ thể tốt hơn.
Ngành y tế Mỹ đã khuyến nghị nên tiêu thụ 4.700mg kali mỗi ngày. Do đó, bạn có thể bổ sung kali thường xuyên hơn từ một số loại thực phẩm giàu kali như khoai tây, bơ, chuối, cải bó xôi, đậu nành...