Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1, TP.HCM hiện nay Việt Nam bước sang giai đoạn khác, ca bệnh ít hơn nhưng cấp độ nguy hiểm cộng đồng cao hơn.
Đừng thấy chỉ có 1,2 ca mắc mà chủ quan
Bác sĩ Khanh cho biết chúng ta đã trải qua giai đoạn 1 phòng dịch từ Trung Quốc về và giai đoạn 2 ngăn chặn dịch xâm nhập từ nước ngoài, chủ yếu từ Châu Âu và bước đầu ngăn dịch lây lan ra cộng đồng.
Chỉ đến khi xuất hiện ổ dịch Buddha và ổ dịch BV Bạch Mai với nhiều ca mắc >Covid-19 của các nhân viên công ty Trường Sinh ở khu nhà ăn của bệnh viện thì dịch ở Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới.
Hiện nay, số ca mắc Covid-19 được ghi nhận hàng ngày đã giảm, mỗi ngày chỉ ghi nhận khoảng 2 - 4 ca so với thời điểm trước đó ngày nào cũng công bố 8 - 9 ca đến hơn 10 ca mắc. Vậy dịch của Việt Nam đang ở giai đoạn nào? Số ca giảm có phải tín hiệu đáng mừng là dịch đã dần nguội?
BS Khanh cho rằng, đang trong giai đoạn cách ly xã hội nhưng nhiều người đã vội mừng vì mỗi ngày chỉ thêm 1, 2 bệnh nhân là không đúng.
"Trước đây mỗi ngày cả nước có 8,9 ca cũng không đáng sợ bằng 1,2 ca của giai đoạn này vì tuy số người mắc ít nhưng đều là các trường hợp ở trong cộng đồng rất lâu. 10 ca được phát hiện ở khu cách ly không đáng sợ bằng 1,2 ca ngoài cộng đồng." - BS Khanh nói.
Vì vậy, không nên thấy số ca ghi nhận hàng ngày giảm mà vội "buông" cách ly. Giai đoạn này, mọi người không cần quá chú trọng việc có tìm được F0 hay không, việc này hầu như chỉ còn giá trị cho nhà dịch tễ phân tích.
Khi dịch đã ở ngoài cộng đồng thì việc tìm nguồn lây rất khó khăn. Không nên quá chú trọng việc tìm nguồn lây có phải từ BV Bạch Mai hay quán bar Buddha hay không mà quên đi thực tế dịch đã bước sang giai đoạn lây chéo ra cộng đồng.
Ngay như trường hợp bệnh nhân số 243, bệnh nhân này có bệnh cảnh mãn tính và xuất hiện bệnh cảnh viêm phổi, không giải thích được nguyên nhân viêm phổi.
Việc phát hiện ra bệnh nhân này mắc Covid-19 hoàn toàn nhờ vào sự nhạy cảm, suy luận chính xác của bác sĩ điều trị khi nghĩ tới viêm phổi siêu vi và trong giai đoạn này có thể là Covid-19. Ca này có thể sẽ giống ca bệnh ở Sơn Lôi, nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất lớn. Lúc này việc truy tìm nguồn gốc không quan trọng bằng việc tự cách ly.
Phòng bệnh ở giai đoạn dịch lây lan ra cộng đồng như thế nào?
Ở giai đoạn này, BS Khanh cho rằng mọi người nên chú ý tự bảo vệ mình và các thành viên trong gia đình mình.
Thứ nhất: Cần bảo vệ người già và người có nguy cơ cao. Ở nước ngoài, BS đều lưu ý người trẻ hạn chế đi lại để bảo vệ người già, vì người trẻ nhiễm bệnh có thể lây cho người già trong gia đình. Việt Nam cũng cần thực hiện nghiêm khuyến cáo "người trẻ ở nhà để bảo vệ người già, người có yếu tố nguy cơ".
Cần chú ý đến việc bảo vệ sự an toàn của người già ở viện dưỡng lão. Các viện dưỡng lão cần nội bất xuất, ngoại bất nhập, những người làm việc trong khu dưỡng lão phải thực hiện việc phòng dịch chặt chẽ hơn. Nếu chỉ 1 ca trong viện dưỡng lão mắc bệnh và đi bệnh viện thì chắc chắn sẽ lây lan dịch vào bệnh viện – điều này đã được chứng minh ở các nước Châu Âu.
Thứ 2, đối với những người vẫn làm việc trong cơ quan, tập thể: Cần đeo khẩu trang vì bản thân mình có thể biết đồng nghiệp nhưng không thể kiểm soát được họ đi đâu , có tiếp xúc với nguồn lây hay không. Đến thời điểm này, khi đến các công ty, công sở cần phải đeo khẩu trang, ngồi cách xa nhau ít nhất 2m và thực hiện việc rửa tay, không sờ tay lên mặt đầy đủ.
Thứ 3, đối với các bệnh viện, nhân viên y tế phải luôn trong trạng thái phòng thủ. Mọi người không nên chủ quan tỉnh là mình không có bệnh, bệnh viện mình không có bệnh mà không chuẩn bị phương tiện phòng hộ (khẩu trang, kính chắn giọt bắn) để bảo vệ chính mình, bảo vệ bệnh nhân khác trong bệnh viện.
BS Khanh nhận định, nhiều người dự đoán khả năng đỉnh dịch của Châu Âu, Mỹ khoảng giữa tháng 4 nên cứ chờ thời điểm này để dịch thoái trào.
Tuy nhiên, việc cần làm không phải chờ đợi mà là hợp tác phòng bệnh. Những người có thói quen thích giao lưu, ở nhà tù túng, thích đi ra ngoài còn rủ thêm 4,5 người đi sẽ rất nguy hiểm cho cộng đồng. Những nhà quản lý cần kiểm soát chặt chẽ người không tuân thủ ngoài xã hội cũng như trong khu cách ly. Nếu vi phạm ngoài phạm cần nêu danh để mọi người biết "sợ".