Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến cho biết ông vừa tiếp nhận điều trị cho một trường hợp cô gái trẻ 31 tuổi bị ung thư buồng trứng khi tình cờ đi khám sức khỏe trước khi cưới.
Bệnh nhân khóc, bác sĩ mắt cũng đỏ hoe
Bệnh nhân là N.T.V. 31 tuổi, độc thân , làm ở một công ty lớn có mức thu nhập cao và dự định kết hôn với bạn trai làm lớn tại công ty khác. Một tương lai rực sáng đang chờ đón cô gái trẻ.
Trong một dịp tình cờ đi khám tầm soát, V. phát hiện khối u buồng trứng phải khích thước khoảng 5-6cm. Được làm tất cả xét nghiệm kể cả chụp MRI , siêu âm , dấu hiệu sinh học bướu buồng trứng đều nghĩ lành tính. Sau đó cô mổ nội soi tại bệnh viện lớn ở TP.HCM. Kết quả giải phẫu tế bào học thật bất ngờ loại tế bào >ung thư buồng trứng cực kỳ hiếm gặp tại Việt Nam cũng như trên thế giới và trong y văn.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến – trưởng khoai Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu, TP.HCM cho biết, bệnh nhân này được một bác sĩ ở chuyên khoa khác gửi sang chuyên khoa ung bướu. Khi sang bên này, bệnh nhân chưa biết mình bị ung thư. Sau khi xem hồ sơ, bác sĩ biết không thể giấu được nên phải nói thật cho bệnh nhân.
"Tôi bảo cô gái có cần nghe giải thích bệnh không? Nếu có thì hãy bình tĩnh. Mặt cô gái đỏ lên, mắt rưng rưng như biết việc chẳng lành sắp xảy ra. Tôi chậm rãi nói: Em bị ung thư buồng trứng rồi.
Vừa nghe 2 từ ung thư cô gái chao đảo muốn té xuống ghế, 2 hàng nước mắt trào ra như suối. Cô gái gục đầu xuống bàn khóc nấc thành tiếng, các đồng nghiệp hoảng hốt chạy vào... lúc này tôi cũng không kìm được cảm xúc, 2 mắt bắt đầu đỏ hoe, để cho cô gái khóc một lúc tôi mới giải thích" – BS Tiến kể lại.
Bác sĩ Tiến cho biết trường hợp này ung thư nhưng may mắn là phát hiện rất sớm, giai đoạn 1 đã được bác sĩ nội soi bóc hết.
Hiện nay có 2 cách điều trị bệnh nhân có thể chọn điều trị triệt để là cắt hết tử cung và 2 buồng trứng và cắt đại võng... nếu mổ như vậy khả năng trị khỏi bệnh khá cao. Phương án 2 là vẫn mổ nội soi lại cắt buồng trứng, phần phụ và cắt đại võng, sẽ bảo tồn tử cung để sinh đẻ, nhưng sau khi có con rồi bắt buộc phải cắt hết tử cung buồng trứng.
Căn bệnh âm thầm
Bác sĩ Tiến cho biết ung thư buồng trứng là tên sát thủ thầm lặng, nó phát triển âm thầm và không triệu chứng, khi phát hiện thì ở giai đoạn muộn , lúc này dù muốn giữ lại tử cung để sinh đẻ cũng không thể nào được.
Bệnh bướu mô đệm – dây sinh dục của buồng trứng là những bướu ít gặp, thường xuất hiện ở lứa tuổi 2x đến 3x. Những khối u này chiếm khoảng 5% ung thư buồng trứng ở phụ nữ từ 15 đến 24 tuổi.
Ung thư buồng trứng là căn bệnh âm thầm
Triệu chứng thường gặp của bệnh này thường là khối vùng chậu, đau bụng, bụng căng to giống với loại ung thư biểu mô buồng trứng hay bướu tế bào mầm ở buồng trứng. Ngoài những triệu chứng kể trên, có thể gặp những triệu chứng do rối loạn sản xuất hormone như rậm lông, mọc râu, thay đổi cơ bắp giống nam, rối loạn kinh nguyệt, dậy thì sớm, …
Tiên lượng bệnh phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn bệnh. Đối với bệnh nhi mắc phải Bướu tế bào hạt chưa trưởng thành thì việc vỡ bướu hoặc có dịch báng ổ bụng là yếu tố tiên lượng xấu. Còn đối với Bướu tế bào Sertoli-Leydig thì độ biệt hóa là một yếu tố tiên lượng quan trọng.
Đối với bệnh lý tái phát thì phẫu thuật vẫn có vai trò nhất định. Tuy nhiên, một số phương pháp khác phối hợp vẫn được chấp thuận: xạ trị, hóa trị phác đồ kết hợp.
Ung thư buồng trứng do một gen di truyền bị lỗi/ đột biến có thể thuộc nhóm "ung thư di truyền". Nếu một cá nhân hoặc gia đình có tiền sử ung thư buồng trứng, vú, đại tràng hoặc nội mạc tử cung nghĩa là bạn có thể mang gen đột biến và có nguy cơ bị ung thư buồng trứng.
Ung thư buồng trứng di truyền chiếm 20% những nguyên nhân ung thư buồng trứng. Trong nhiều trường hợp, người phụ nữ mang gen đột biến BRCA1 hoặc BRCA2 (gen liên quan đến ung thư vú) cũng có thể bị ung thư buồng trứng, tai vòi hay một số loại ung thư khác.
Bác sĩ Tiến cũng cho rằng hiện nay chưa có xét nghiệm tầm soát nào đáng tin cậy cho việc phát hiện sớm ung thư buồng trứng. Một số tổ chức tuyên bố rằng siêu âm qua ngả âm đạo và CA-125 có thể được đề nghị sàng lọc những phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao do hội chứng di truyền gây ra như hội chứng Lynch, đột biến gen BRCA hoặc tiền sử gia đình mạnh về ung thư vú và buồng trứng.
Tuy nhiên, ngay cả ở những phụ nữ này, người ta vẫn chưa chứng minh được rằng việc sử dụng các xét nghiệm này để sàng lọc làm giảm khả năng tử vong do ung thư buồng trứng.