Muốn lá phổi khỏe mạnh cần phải có chế độ ăn hợp lý, bổ sung thêm vitamin, khoáng chất giúp phòng chống bệnh tật và ung thư.
Ăn nhiều thực phẩm có chứa vitamin A, D, E, C
Theo Ths. BS Vũ Văn Thành, Trưởng Khoa Phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương, các bệnh lý về phổi trong đó có cả ung thư phổi chịu ảnh hưởng của yếu tố cảm nhiễm từ môi trường rất lớn. Tuy nhiên, có thể hạn chế sự cảm nhiễm bệnh nếu tác động bằng chế độ ăn hợp lý.
Để có một lá phổi khỏe mạnh thì trước hết cơ thể phải khỏe mạnh. Vì vậy cần phải ăn uống đủ chất, cân bằng 3 nhóm >dinh dưỡng chính tinh bột, chất đạm, chất béo.
"Lá phổi muốn khỏe cần phải bổ sung thêm thực phẩm có nhiều vitamin A, D, E, C. Đây là các chất chống oxy hóa giúp cho phổi khỏe mạnh hơn. Các vitamin này thường được biết đến giúp đẹp da nhưng nó cũng rất hữu ích cho lá phổi", bác sĩ Thành nói.
Các loại vitamin A, D, E, C có nhiều trong rau xanh, hoa quả tươi. Trong đó, vitamin A là chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa nguy cơ gây ra ung thư phổi. Vitamin A có nhiều trong các thực phẩm có màu sắc đỏ, cam. Ví dụ, như cà rốt, đu đủ, cà chua, ớt chuông rau xanh.
Vitamin C giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể điều này sẽ giúp cho phổi khỏe mạnh hơn, chống lại những bệnh nhiễm trùng phổi. Vitamin C có nhiều trong các loại trái cây như: cam, táo, ổi, chanh, rau xanh…
Vitamin E có nhiều trong các loại hạt, mầu lúa mì, dầu oliu có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ màng tế bào, tăng cường hệ thông miễn dịch, giảm nguy cơ viêm phổi.
Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra nếu cơ thể thiếu vitamin D có thể tích điểm sáng trong phổi lớn hơn, điều này cho thấy mô phổi bị tổn thương nhiều hơn, so với những người có đủ lượng vitamin D. Vitamin D có nhiều trong các thực phẩm như: nấm, pho mát, trứng, sữa đậu nành…
"Cần phải luôn đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể như khẩu phần của người bình thường, đủ dinh dưỡng, bổ sung thêm rau xanh. Nếu có thể nên ăn thêm rau mầm sẽ có rất nhiều vitamin tốt cho lá phổi", bác sĩ Thành cho hay.
Thay đổi thói quen sống
Ngoài ăn, uống thì cần phải thay đổi những thói quen xấu, đặc biệt là hút thuốc lá để giảm các yếu tố nhiễm độc cho phổi. Trong khói thuốc lá có chất rất nhiều chất độc gây hại cho phổi. Sau một thời gian hút thuốc lá kéo dài phổi sẽ bị tổn thương và dễ mắc các bệnh lý phổi, trong đó có ung thư.
Bác sĩ Thành cho biết: "Cai thuốc lá, hạn chế tiếp xúc với môi trường có khói thuốc là cách đơn giản để giúp cho lá phổi khỏe mạnh. Hạn chế khói hữu cơ xả ra từ các phương tiện xe máy, ô tô, nhà máy… bằng cách đeo khẩu trang khi di chuyển trên đường, khi làm trong nhà máy".
Theo bác sĩ Thành trong thức khuya, tắm đêm gây lạnh phổi, đó chỉ là câu chuyện của dân gian. Còn nếu giải về cơ chế sinh bệnh không có bệnh nào gọi là lạnh phổi.
Tuy nhiên, không nên tắm quá khuya trong trường hợp sức đề kháng suy giảm dễ bị nhiễm trùng và đổ bệnh. Nhẹ có thể nhiễm trùng mũi họng, nặng có thể dẫn tới viêm phổi.
"Hàng ngày, môi trường chúng ta hít thở đều có vi khuẩn. Nhưng chúng ta không bị ốm là do cơ thể có hàng rào miễn dịch bảo vệ >sức khỏe tại chỗ chống lại được vi khuẩn. Nhưng khi vi khuẩn xâm nhập vượt quá khả năng chống đỡ của cơ thể sẽ gây bệnh.
Nếu gặp sang chấn cơ thể lạnh do tắm khuya, sau đó không được sưởi ấm ảnh hưởng và gây bệnh", bác sĩ Thành cho hay.
Thức đêm khuya có thể làm cho cơ thể mệt mỏi do giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn, có thể ảnh hưởng tới sức đề kháng của cơ thể.