Theo các chuyên gia, đây là nguyên nhân hàng đầu khiến tuổi thọ “xuống dốc không phanh” nhưng hiện nhiều người đang gặp phải.
Ngủ đủ giấc đóng vai trò rất quan trọng cho >sức khỏe của con người. Chúng sở hữu những lợi ích rõ ràng như: Gia tăng sự tập trung giúp học tập và làm việc hiệu quả, tinh thần minh mẫn, trí óc tỉnh táo, tăng sức đề kháng giúp bảo vệ sức khỏe toàn diện… Chính vì vậy, chúng ta cần phải ngủ đủ hàng ngày để khỏe hơn.
Từ lâu, tầm quan trọng của việc ngủ đủ đã được nhiều nghiên cứu chứng minh. Thế nên một khi bị thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Ai cũng có thể bị thiếu ngủ, mất ngủ một vài lần trong đời. Nhưng nếu tình trạng này diễn ra quá thường xuyên sẽ tác động rất mạnh tới thể trạng lẫn tuổi thọ.
Thiếu ngủ là một dạng rối loạn bao gồm các vấn đề về giấc ngủ. Có thể kể đến một số tình trạng như mất ngủ, ngủ nhiều, ngủ không sâu giấc, khó đi vào giấc ngủ, thức dậy quá sớm và không thể quay lại giấc ngủ. Việc này có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy.
Hầu như mọi đối tượng, mọi lứa tuổi đều dễ gặp phải tình trạng thiếu ngủ. Tuy nhiên có một số nhóm người dễ bị thiếu ngủ hơn như người cao tuổi, người đang mắc các bệnh lý, phụ nữ, người đang gặp các yếu tố tâm lý, người phải làm việc ca đêm, người có lối sống thiếu khoa học… Chưa kể trong lối sống hiện đại đầy bận rộn, trăm công nghìn việc... thì việc thiếu ngủ hoặc ngủ không đủ là điều khó tránh khỏi.
Về tác hại, thiếu ngủ sẽ làm hormone kiểm soát cảm giác đói và no bị ảnh hưởng. Lúc này, hormone leptin (điều chỉnh quá trình chuyển hóa năng lượng) sẽ giảm xuống và hormone ghrelin (kích thích cảm giác thèm ăn) sẽ tăng lên. Điều này sẽ khiến bạn ăn nhiều hơn và tăng cân khó kiểm soát.
Ngoài ra, thiếu ngủ có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường. Thiếu ngủ khiến cơ thể sản xuất ít insulin hơn, làm giảm khả năng dung nạp glucose, từ đó làm tăng lượng đường trong máu. Đặc biệt là những người ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi ngày có nguy cơ cao bị bệnh tiểu đường loại 2.
Thêm vào đó, thiếu ngủ còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Bên cạnh việc làm tăng nguy cơ huyết áp cao, thừa cân béo phì, tiểu đường - những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, thì thiếu ngủ còn làm tăng mức độ viêm, từ đó làm tăng khả năng đau tim và đột quỵ.
Đáng sợ hơn, thiếu ngủ cũng gây căng thẳng và các rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu… Khi thiếu ngủ, bạn cũng bị giảm khả năng tương tác xã hội và giảm sự nhạy bén với cảm xúc của người khác.
Chưa hết, thiếu ngủ còn làm suy giảm trí nhớ. Khi ngủ thì não của bạn sẽ lưu trữ ký ức. Nếu bạn bị thiếu ngủ, quá trình lưu trữ có thể bị gián đoạn dẫn đến mất trí nhớ ngắn hạn và mau quên, tăng nguy cơ mắc các hội chứng suy giảm trí nhớ như Alzheimer…
Những tác hại trên nếu tích lũy theo thời gian sẽ làm sức khỏe đi xuống, lão hóa đến sớm hơn, dễ mắc bệnh và làm suy giảm tuổi thọ nhanh chóng. Chính vì vậy, bạn cần phải ngủ đủ mỗi đêm để bảo vệ cơ thể.
Nhiều người không nhận ra tác hại của việc thiếu ngủ đối với sức khỏe tổng thể. Để phòng tránh sớm những hậu quả do thiếu ngủ, chúng ta nên thay đổi một số thói quen như sau để cải thiện chất lượng giấc ngủ:
- Đi ngủ đúng giờ, đúng giấc: Đi ngủ cùng một giờ mỗi đêm và thức dậy vào cùng một giờ mỗi buổi sáng sẽ giúp cơ thể xây dựng thói quen ngủ đều đặn.
- Tiếp xúc với ánh nắng buổi sáng ngay sau khi thức dậy: Điều này sẽ thiết lập lại đồng hồ sinh học bằng cách cho cơ thể biết bây giờ là buổi sáng, từ đó giúp bạn ngủ nhanh hơn vào ban đêm.
- Không uống đồ chứa caffeine và rượu bia: Cần tránh các chất kích thích 8 giờ trước khi ngủ để không bị ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ.
- Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ: Trước khi ngủ 1 tiếng, bạn nên ngừng sử dụng thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, tivi. Thay vào đó, các hoạt động thư giãn như tắm nước ấm, hít thở, thiền định, nghe nhạc hay đọc sách sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn.
- Tạo môi trường ngủ dễ chịu: Chăn, nệm và gối thoải mái, không quá sáng, không gian yên tĩnh, nhiệt độ mát mẻ.
- Tránh ăn trong vòng 2 giờ trước khi đi ngủ: Bạn chỉ nên uống một ít sữa, ăn thức ăn nhẹ hoặc một ít ngũ cốc nếu bạn đói. Uống nhiều nước trước khi ngủ cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn vì phải thức dậy đi tiểu.
Theo CNBC, Healthline