Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy axit benzoic gặp vitamin C tạo ra benzene gây ung thư, song chuyên gia cho rằng chưa có cơ sở khoa học khẳng định.

06:19 10/04/2019

Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết axit benzoic hoặc muối của nó là natri benzoate dễ tan trong nước, có tác dụng kìm hãm sự phát triển của nấm mốc nên được dùng làm chất bảo quản thực phẩm. Lượng axit benzoic tối đa được dung nạp vào cơ thể con người mỗi ngày là 0,005 g/kg thể trọng, theo biên bản của Hội nghị chuyên gia về phụ gia thực phẩm giữa Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Liều lượng gây độc ở người là trên 0,005 g/kg thể trọng.

Theo ông Thịnh, tiêu thụ axit benzoic vượt ngưỡng này sẽ tác động đến hệ hô hấp và hệ thần kinh. Cơ thể khi ấy có thể bị ảnh hưởng vì glucocol dùng để tổng hợp protein sẽ bị mất do tác dụng với axit benzoic để giải độc. 

Phó giáo sư Trần Hồng Côn, giảng viên khoa Hóa học, Đại học Tự nhiên Hà Nội, cho biết một nghiên cứu độc lập tại Mỹ cho thấy kết hợp axit benzoic với vitamin C trong phòng thí nghiệm với điều kiện phù hợp, xuất hiện hiện tượng giải phóng benzene.

Benzene được xác nhận là gây ung thư cho người, theo phân loại của Hiệp hội Ung thư Mỹ. Tuy nhiên, phát hiện trên chỉ từ một nghiên cứu độc lập, thực tế chưa có báo cáo lâm sàng. Nghiên cứu này cũng chỉ dừng lại ở việc ghi nhận có báo cáo mà không cụ thể kết hợp như thế nào, mức độ bao nhiêu, trong điều kiện gì cũng như khả năng sinh ra benzene. 

Bà Ngô Hồng Trang, kỹ sư hóa tại Dupont Japan Innovation Center (Nhật Bản), giải thích nghiên cứu  này được công bố trên bài báo khoa học năm 1993 của Lalita K. Gardner và Glen D. Lawrence. Nghiên cứu chỉ ra benzoic/benzoate dưới sự có mặt của ascorbic axit (vitamin C) và chất xúc tác là ion các kim loại chuyển tiếp (như Cu2+) có thể tạo ra benzene.

Từ nghiên cứu này, người ta phân tích hàm lượng benzene đối với nước uống đóng chai ở Mỹ và các nước châu Âu. Bà Trang lưu ý nghiên cứu trên chỉ tiến hành trên nước uống. Đến nay, chưa bài báo khoa học nào đề cập đến nồng độ benzene trong tương ớt. 

Theo bà Trang, hiện nay không tài liệu nào của Nhật ghi rõ "cấm axit benzoic trong tương ớt". Nhật Bản quy định chi tiết các chất phụ gia được sử dụng cho từng loại thực phẩm. Trong danh sách chất phụ gia dùng cho từng thực phẩm được chính phủ Nhật ban hành, không có tên "tương ớt" mà chỉ có "các loại sốt". Nhóm sản phẩm này được phép sử dụng nysin - là chất bảo quản kìm hãm sự phát triển của nấm mốc.

"Nysin cấu tạo hóa học phức tạp hơn, tổng hợp/chiết xuất khó hơn axit benzoic nên giá thành đắt hơn", bà Trang nhận định. 

Ở Nhật, axit benzoic được sử dụng làm chất bảo quản trong bơ thực vật, nước uống đóng chai, xi-rô, xì dầu (nước tương). 

"Điều đó chứng minh rằng đây không phải là chất mà Nhật hoàn toàn tẩy chay. Nhật chỉ khó tính hơn khi quy định chi tiết chất nào được dùng trong sản phẩm gì. Axit benzoic không được sử dụng trong tương ớt nên theo luật là phải thu hồi", bà Trang lý giải. 

Bà Trang cũng cho rằng về lý thuyết phản ứng hóa học có thể xảy ra đối với tương ớt, vấn đề là ở điều kiện nào và hiệu suất bao nhiêu. "Nếu sinh ra benzene trong tương ớt thì nồng độ cũng rất thấp, không gây nguy hiểm với điều kiện bạn không ăn tương ớt thay cơm", bà Trang nói. 

Phó giáo sư Thịnh cũng đồng quan điểm: "Tương ớt là gia vị nên không ai ăn quá nhiều, vì vậy không đáng lo ngại. Theo tiêu chuẩn, ăn một lít tương ớt mới nạp vào cơ thể một g axit benzoic".

Bộ Y tế Việt Nam cho phép sử dụng axit benzoic hàm lượng tối đa 1g/kg sản phẩm, theo tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (CODEX). 

Cổng thông tin điện tử thành phố Osaka (Nhật Bản) cuối tuần qua thông báo thu hồi 18.168 chai tương ớt nhãn hiệu Chin-su nguồn gốc từ Việt Nam vì vi phạm Luật Vệ sinh thực phẩm và Luật Nhãn thực phẩm. Theo Hiệp hội Vệ sinh thực phẩm Tokyo, hàm lượng axit benzoic trong tương ớt Chin-su bị thu hồi lần lượt là 0,41 g/kg, 0,44 g/kg và 0,45 g/kg. Trong khi điều 11 khoản 2 Luật vệ sinh thực phẩm Nhật Bản quy định "không đáp ứng tiêu chuẩn thì không được lưu hành". Nhà sản xuất Chin-su tại Việt Nam là công ty Masan cho biết chưa xuất khẩu trực tiếp hay gián tiếp tương ớt vào thị trường Nhật.

Theo Lê Nga - Minh Trang/VnExpress