Anh Chu (người Trung Quốc) đột nhiên bị sốt tái phát liên tục, đau thắt lưng và hông phải dữ dội vì nhiễm bệnh Brucella sau khi ăn món bít tết năm phần chín.
Theo tờ QNews của Trung Quốc, bắt đầu từ giữa tháng 8 năm nay, anh Chu đột nhiên bị sốt liên tục. Tình trạng này kéo dài vài ngày nên anh đã đến phòng khám địa phương để điều trị. Bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm axit nucleic tìm virus corona chủng mới, chụp CT phổi và xét nghiệm máu. Kết quả đều âm tính, không có chỉ số gì bất thường nên anh Chu đành về nhà.
Sau khi về nhà, anh Chu đã tự uống thuốc kháng sinh. Sau khi uống thuốc, thân nhiệt trở lại bình thường nhưng hai, ba ngày ngừng thuốc, thân nhiệt lại tăng. Cứ như thế sốt tái phát liên tục trong 4 tuần.
Vào tháng 11, anh Chu đau thắt lưng và hông phải dữ dội, phải ngồi xe lăn đến bệnh viện. 1 tháng sau, theo tìm hiểu của phóng viên đầu báo Bắc Thanh - Bắc Kinh, tại Bệnh viện Thiệu Dật Phu (thuộc Đại học Chiết Giang, Trung Quốc), nơi anh Chu đang chữa trị thì bác sĩ cho biết rằng anh Chu bị sốt liên tục, đau thắt lưng và hông phải là do nhiễm bệnh brucella do trực khuẩn cùng tên gây nên.
Nguyên nhân nhiễm khuẩn là do anh Chu đã ăn món bít tết chưa chín. Chủ nhiệm Lữ Phương Phương đã tiến hành kiểm tra chi tiết bệnh sử, cuộc sống và khám >sức khỏe. Lúc này, chi tiết thu hút sự chú ý của bác sĩ là anh Chu đã ăn món bít tết năm phần chín, chín vừa ở một nhà hàng một tuần trước khi phát bệnh.
Chủ nhiệm Lữ đã yêu cầu anh Chu dùng thuốc trong một tháng trước khi quay lại khám. Thật bất ngờ, chỉ sau hai tuần sử dụng, anh Chu cảm thấy trong người khỏe, không khó chịu, không sốt nên đã tự ý dừng thuốc.
Sau đó một thời gian, ông Chu lại cảm thấy đau nhức, khó chịu vùng thắt lưng và hông phải, đi lại khó khăn rồi đau đến mức không ngủ được. Nghĩ mình bị thoát vị đĩa đệm nên tìm đến Trung y để chữa trị nhưng cơn đau lại ngày càng nghiêm trọng hơn.
Cuối cùng, anh Chu lại phải vào bệnh viện, nơi anh đã từng chữa trị bệnh brucella. Kết quả, xét nghiệm kháng thể Brucella và xét nghiệm ngưng kết đều dương tính. Bên cạnh đó, anh Chu được cho chụp cộng hưởng từ khớp cùng chậu (sacroiliac) và phát hiện một vùng tủy ở khớp cùng chậu bên phải bị phù nề.
Lúc này, nguyên nhân gốc rễ của cơn đau được tìm ra. Hóa ra là do nhiễm trùng khớp cùng chậu bên phải thứ phát sau bệnh Brucella mà không được điều trị đúng cách. Sau khi được điều trị tận tình, chứng đau của anh Chu đỡ hơn, anh đã có thể đi lại được.
Nguyên nhân gây bệnh Brucella
Trực khuẩn Brucella xuất hiện từ sữa của động vật bị nhiễm bệnh. Nguồn sữa không được tiệt trùng hoặc không đảm bảo mà đem đi chế biến thành các sản phẩm như sữa tươi, bơ… sẽ trở thành nguồn lây nhiễm.
Ngoài ra, trực khuẩn còn tồn tại trong các cơ quan, mô của động vật nhiễm bệnh. Việc sử dụng các sản phẩm như thịt, nội tạng động vật chưa được nấu chín cũng có thể đứng trước nguy cơ mắc bệnh.
Brucella có thể xâm nhập vào cơ thể người qua các vết thương hở trên da khi vết thương này tiếp xúc với nước tiểu, máu, dịch tiết và mô của động vật đang mang mầm bệnh.
Các triệu chứng khi nhiễm bệnh
- Sốt, ớn lạnh, rét run, đổ mồ hôi.
- Không đi khám chữa kịp thời sẽ xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, sút cân, nhanh bị mệt mỏi khi làm việc.
- Đau đầu, đau khớp, đau cơ bắp, đau lưng, đau bụng.
- Bệnh mãn tính sẽ xuất hiện các đợt sốt, không sốt xen kẽ trong thời gian dài.
- Biến chứng: tổn thương xương, tổn thương khớp như viêm đĩa đệm, viêm khớp mủ, viêm màng não, viêm nội tâm mạc.