Ăn lươn tuy ngon và cực bổ nhưng không phải ai cũng biết chế biến và sử dụng đúng cách. Nếu không, rất có thể bạn sẽ bị nhiễm ký sinh trùng chẳng đùa!
Lươn – Thực phẩm vàng còn là thuốc quý trong Đông y
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), trong Đông y, lươn có tính ôn, vị ngọt, công hiệu bổ khí dưỡng huyết, làm mạnh gân cốt, thanh nhiệt, nhuận tràng, an thần, mạnh gân xương, thích hợp với người lao lực, ho hen, tiêu khát, kiết lỵ, phong thấp đau nhức, gân cốt rã rời, thận hư đau lưng, liệt thần kinh mặt.
Người phương Đông còn gọi lươn là thiện ngư (cá lành), trường ngư, hoàng đán, hoàng thiện, hải xà, đán ngư… và đánh giá lươn là một trong "tứ đại hà tiên" (4 món ngon dưới nước). Trong khi người Nhật Bản nhận định thịt lươn chẳng khác gì "sâm động vật", là thực phẩm giúp thông huyết mạch, lợi gân cốt cực quý trong Đông y.
Trong Đông y, lươn có tính ôn, vị ngọt, công hiệu bổ khí dưỡng huyết, làm mạnh gân cốt, thanh nhiệt...
Nghiên cứu của y học hiện đại cũng cho thấy, trong 100 g thịt lươn chứa 12,7 g chất đạm; 25,6 g chất béo. Trong đó cholesterol là 0,05 g, năng lượng là 285 calo. Ngoài ra còn có các vitamin như: vitamin A và betacaroten: 2000 IU, vitamin B1: 0,15 mg, Niacin: 2,2 mg, Riboflavin: 0,31 mg, Biotin: 5 mcg, Vitamin B6: 0,28 mg. Khoáng chất: Sắt: 0,7 mg, Natri: 78 mg, Kali: 247 mg, Calci: 18 mg, Magie: 18 mg, Photpho: 160 mg.
Chuyên gia nhận định, thịt lươn rất ngon và bổ, là vị thuốc tốt với người thể trạng nhiệt, người bị thiếu máu, da xanh xao, gầy còm mệt mỏi, rất hợp cho trẻ em gầy yếu, phụ nữ sau sinh cơ thể hư nhược, khí huyết không điều hòa.
Thịt lươn rất ngon và bổ, là vị thuốc tốt với người thể trạng nhiệt, người bị thiếu máu, da xanh xao.
Dùng lươn cẩn thận nếu không rất dễ nhiễm ký sinh trùng
Lươn tuy ngon và cực bổ nhưng không phải ai cũng biết chế biến và sử dụng đúng cách. Ngoài ra, việc sử dụng lươn để chữa bệnh càng cần phải đảm bảo an toàn mới có thể tiến hành. Vào năm ngoái, trên mạng xã hội từng xôn xao vụ một bà mẹ bắt lươn sống cho bò trườn khắp người trẻ nhỏ cho con hạ sốt để lại nhiều ý kiến trái chiều.
""Trong Đông y, lươn là động vật có tính hàn. Dùng hàn để hạ nhiệt độ cao về nguyên lý là đúng, nhưng không ai dùng lươn cho bò lên người để hạ sốt vì nó rất nguy hiểm. Bản thân con lươn sống ở nơi bùn bẩn, trên da mang những nhầy nhớt, cho lên người dính vào da trẻ có thể gây nhiễm trùng da", Lương y Bùi Hồng Minh nói. Theo vị chuyên gia này, lươn chỉ được dùng làm thuốc khi đã làm sạch nhầy nhớt, bóp muối. Sau đó, lươn sẽ chế biến thành món ăn khi đó mới hiệu quả.
Lươn tuy ngon và cực bổ nhưng không phải ai cũng biết chế biến và sử dụng đúng cách.
Công đoạn làm sạch và chế biến lươn không đảm bảo rất dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, thậm chí tạo điều kiện cho ký sinh trùng làm tổ trong cơ thể bạn. Theo nghiên cứu của GS Trần Vinh Hiển, cố vấn khoa học BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, ở cả lươn nuôi và lươn hoang dã tỉ lệ nhiễm ấu trùng Gnathostoma spingerum từ 0,8-29,6%, mùa khô tỉ lệ thấp và tăng dần trong mùa mưa. GS Trần Thị Kim Dung, bộ môn ký sinh trùng ĐH Y dược TPHCM, cũng cảnh báo tình trạng nhiễm ấu trùng Gnathostoma spingerum khá cao ở người có thói quen ăn thức ăn chưa nấu chín kỹ như lươn xào tái, lươn gỏi...
Bản thân PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia) cũng nhận định: "Trong thịt lươn có một loại ấu trùng ký sinh sống rất dai và chịu được nhiệt độ cao. Vì vậy, nếu chỉ xào qua trên lửa, những ấu trùng này sẽ còn sống và theo đường ăn uống đi vào ruột. Tốt nhất, nên chế biến bằng cách nấu chín, ninh nhừ hoặc hấp cách thủy... bảo đảm sao cho thịt lươn khi được dọn lên mâm đã được nấu chín kỹ".
Trong thịt lươn có một loại ấu trùng ký sinh sống rất dai và chịu được nhiệt độ cao.
Chưa hết, trong thịt lươn chứa rất nhiều protein, trong đó có hợp chất Histidine tốt cho cơ thể, nhưng khi lươn chết, hợp chất này bị ô nhiễm bởi vi khuẩn và có thể chuyển hóa thành chất độc Histamine. Do đó tuyệt đối không được ăn lươn chết, lươn ôi. Bình thường, cơ thể người có thể chịu đựng một hàm lượng chất độc này, nhưng nếu hàm lượng cao hoặc cơ thể yếu, mới bệnh xong hoặc trẻ em có sức đề kháng kém sẽ có nguy cơ bị ngộ độc rất cao.
Ngoài ra, chuyên gia khuyên người bệnh gút không nên ăn lươn vì lươn là thực phẩm giàu chất đạm vì thế những người bị bệnh gút không nên ăn nhiều thịt lươn để tránh tình trạng bệnh tăng nặng.