Người phụ nữ 61 tuổi áp dụng liệu trình ăn chay 49 ngày theo “bác sĩ Google”, nhưng đến ngày 41 thì phải vào viện cấp cứu.
Công bố mới nhất tại Mỹ cho thấy, cứ 5 người thì có 2 người tự tra “bác sĩ Google”, gây chẩn đoán sai bệnh cho bản thân, làm bệnh tình nặng hơn. Tại Việt Nam, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia cho rằng, con số này còn lớn hơn nhiều.
PGS Hùng chia sẻ, Viện vừa cấp cứu cho nữ bệnh nhân 61 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội. Nữ bệnh nhân này từng áp dụng chế độ >ăn chay trên mạng, kéo dài 49 ngày, thuần túy ăn >gạo lứt và muối vừng.
Tuy nhiên khi ăn chay được 41 ngày, bà phải vào bệnh viện gần nhà cấp cứu do ngừng tuần hoàn, rối loạn natri, kali. Ngay lập tức bệnh nhân được cấp cứu ngừng tuần hoàn, bồi phụ điện giải. Sau đó bác sĩ phát hiện thêm biến chứng suy thận cấp, tiêu cơ vân.
Sau 15 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân xuất viện ra về. Tuy nhiên vừa về nhà được 1 ngày, bệnh nhân lại đau tim dữ dội trở lại, được chuyển vào Viện tim mạch quốc gia cấp cứu.
Qua hội chẩn, bác sĩ xác định bệnh nhân bị hẹp động mạch vành, chỉ định đặt stent.
“Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp tự tra Google để chữa bệnh. Bản thân bệnh nhân này bị >bệnh mạch vành, khi áp dụng chế độ ăn chay sẽ làm giảm điện giải trong máu, kích thích gây ngừng tim”, PGS Hùng giải thích.
PGS Hùng cho biết, bác sĩ luôn khuyên bệnh nhân tim mạch giảm tối đa tinh bột chế biến sẵn, thay vào đó ăn các loại hạt chế biến thô như gạo lứt nhưng chế độ ăn phải cân đối, ăn nhiều cá, rau củ qua, hạn chế mỡ động vật, phủ tạng động vật chứ không khuyên ăn chay.
Theo PGS Hùng, thông tin về các bệnh trên mạng rất đa dạng, lẫn lộn giữa thông tin khoa học hàn lâm và thông tin thường thức. Thông tin hàn lâm thường chuyên ngành, khó hiểu, thông tin thường thức dễ hiểu nhưng được viết bởi những người không có chuyên môn đầy đủ, chưa kể nhiều thông tin quảng cáo, nhiều câu chuyện giật gân nên người đọc dễ tin theo.
Tại Viện tim mạch quốc gia, bác sĩ thường xuyên gặp bệnh nhân tự ý bỏ thuốc theo đơn để dùng thuốc nam, thuốc bắc không rõ thành phần. Sau uống vài ngày, bệnh nhân thấy rất khoẻ nhưng lâu dần, bệnh tình nặng thêm, khi quay lại bệnh viện đã bị tắc mạch vành, kẹt van tim, suy thận nặng... có trường hợp phải đưa về vì không thể cứu chữa.
Về các bệnh tim mạch tại Việt Nam nói chung, PGS Hùng cho biết, trung bình mỗi năm tăng khoảng 15%. Trong năm 2018, Viện Tim mạch quốc gia can thiệp tim mạch cho hơn 12.300 ca – lớn nhất khu vực Đông Nam Á, trong đó trên 50% là bệnh nhân mắc bệnh mạch vành.