Ngày 26/6, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận một ca bệnh nhi mắc bạch hầu biến chứng viêm cơ tim từ "ổ dịch" bạch hầu Đắk Nông. Đây là ca bệnh bạch hầu thứ 2 ở TP Hồ Chí Minh sau ca bệnh là một sinh viên của trường quân sự.

15:40 27/06/2020

Như vậy, cho tới hiện tại, tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận 12 người dương tính với vi khuẩn bạch hầu, trong đó đã có một bệnh nhân tử vong và một bệnh nhân bị biến chứng rất nặng được đưa về TP. HCM tiếp tục chữa trị.

Trường hợp mắc >bệnh bạch hầu tử vong là cháu Sùng Thị H. (9 tuổi, ngụ cụm 2, thôn 6, xã Quảng Hòa). Trường hợp bệnh nhân bị biến chứng nặng được chuyển về TP. HCM tiếp tục chữa trị là bé Giàng A Ph. (dân tộc Mông, 13 tuổi), trước đó đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Còn bệnh nhân mắc bệnh tại TP. HCM là một nam học viên (20 tuổi) đang điều trị tại Bệnh viện Quân y 175.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh bạch hầu, không để dịch bùng phát, lan rộng, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Sở Y tế triển khai công tác kiểm soát dịch bệnh tại các ổ dịch bạch hầu.

Bên cạnh đó đẩy nhanh các hướng điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất số biến chứng nặng và tử vong…

Có thể thấy, đối tượng mắc bệnh bạch hầu nói trên rải rác ở các lứa tuổi. Vậy, ai dễ có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu?

Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, thuộc nhóm B trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Khi phát hiện sớm, có thể điều trị khỏi bệnh bằng kháng sinh.

Bệnh bạch hầu thường xuất hiện trong những tháng lạnh ở vùng ôn đới. Bệnh có tính mùa, thường tản phát, có thể phát triển thành dịch. Những người có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu bao gồm:

- Tất cả trẻ em và người lớn không được tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu hoặc tiêm chủng không đầy đủ. Đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi và người già yếu trên 60 tuổi là những đối tượng nguy cơ cao của bệnh vì khả năng miễn dịch kém.

- Những người sống trong điều kiện đông đúc, vệ sinh kém.

- Các đối tượng di chuyển, đi lại, lưu trú tại vùng có dịch hoặc bệnh bạch hầu lưu hành.

Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.

Bệnh bạch hầu có thể dự phòng được bằng tiêm vắc xin đủ liều và đúng lịch. Khi phát hiện sớm, bệnh điều trị khỏi bằng kháng sinh. Trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Từ khi vắc-xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Theo T.L/Tổ Quốc