Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư cho biết, sẽ tiến hành tiêm thử nghiệm vắc-xin BCG ngừa lao cho các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch và người tiếp xúc gần với ca bệnh dương tính với COVID-19 để phục vụ đề tài nghiên cứu.
Tính đến 6h sáng ngày 19/4, đã 3 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới nào. Đến nay, cả nước có 268 ca gồm 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%, 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%. Trong số đó 201 ca đã khỏi bệnh, hiện chỉ còn 67 bệnh nhân đang điều trị.
Hiện nay, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được theo dõi >sức khỏe (cách ly) là 62.998. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 279, cách ly tập trung tại cơ sở khác là 11.338, cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 51.381.
Liên quan đến vấn đề phòng dịch COVID-19, mới đây một nghiên cứu bước đầu của nhóm chuyên gia Mỹ và Ireland đã chỉ ra, những nước nào có chương trình tiêm đại trà vắc-xin BCG ngừa bệnh lao thì có ít bệnh nhân tử vong vì đại dịch COVID-19 hơn.
Trên thế giới hiện đã có ít nhất 6 quốc gia đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng tiêm vắc-xin BCG cho các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch và người cao tuổi để đánh giá mối liên quan giữa vắc-xin BCG và bệnh COVID 19.
Trước những kết quả nghiên cứu ban đầu này, Bộ Y tế đã giao cho Bệnh viện Phổi T.Ư chủ trì phối hợp với một số đơn vị khác sẽ tiến hành thử nghiệm tiêm vắc-xin BCG cho các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch COVID-19 để phục vụ đề tài nghiên cứu.
Trả lời trên Báo Tiền Phong, GS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư cho biết, trong thời gian tới Việt Nam có khoảng 800 người gồm y bác sĩ tuyến đầu chống dịch và người tiếp xúc gần với ca bệnh dương tính sẽ được tiêm thử nghiệm vắc-xin BCG để phục vụ nghiên cứu.
“Vắc-xin BCG không đủ khả năng bảo vệ con người không bị mắc COVID-19. Nó chỉ giúp cho việc hạn chế các ca bệnh nặng. Giả thiết này chưa được khẳng định. Việt Nam đang chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng đối với thầy thuốc tiêm lại vắc-xin BCG xem có tác dụng gì không. Bộ Y tế đã giao cho bệnh viện của chúng tôi nghiên cứu; đồng thời phối hợp với các chuyên gia Pháp để nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng sớm”. GS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết.
Cũng theo GS. Nhung, đối tượng tham gia thử nghiệm là các nhân y tế ở tuyến đầu chống dịch, cụ thể là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cùng một số bệnh viện khác.
Theo đó, những tình nguyện viên tham gia thử nghiệm sẽ được chia làm 2 nhóm: một nhóm được tiêm vắc-xin BCG, một nhóm được tiêm vắc-xin khác không phải BCG. Nhóm nghiên cứu chủ yếu đánh giá xem liệu vắc-xin BCG có liên quan đến mức độ nặng của bệnh COVID-19.