Nhiều chuyên gia dinh dưỡng đã chia sẻ về những thực phẩm tồi tệ nhất cho người bị bệnh tiểu đường.

Minh Anh (t/h) 15:39 30/07/2024

1. Đồ uống có đường

Nước ngọt có gas (soda) và các loại đồ uống ngọt khác là nguồn cung cấp rất nhiều đường mà không có bất kỳ lợi ích >dinh dưỡng đáng kể nào.

Chúng được tiêu hóa rất nhanh, gây tăng đột ngột lượng đường trong máu và tăng calo. Các loại đồ uống này thường được tạo ngọt bằng siro ngô có hàm lượng fructose cao, có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ.

Tuy nhiều calo nhưng chúng lại ít giá trị dinh dưỡng, góp phần làm tăng cân, đặc biệt là tăng mỡ bụng, có thể làm tăng kháng insulin và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh tiểu đường.

Lưu ý rằng ngay cả nước ngọt có gas ăn kiêng (diet soda) cũng không phải là lựa chọn tốt cho người bị tiểu đường. Vì dù không chứa đường nhưng chúng thường chứa chất tạo ngọt nhân tạo, vẫn có thể ảnh hưởng đến độ nhạy insulin và có thể làm tăng cảm giác thèm đồ ngọt.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên uống nước lọc hoặc các loại đồ uống không đường như nước khoáng có gas hoặc trà không đường.

2. Bánh ngọt, bánh nướng đóng gói sẵn

Bánh ngọt, bánh nướng đóng gói sẵn thường chứa quá nhiều đường, carbohydrate tinh chế và chất béo, cùng với rất ít vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng có lợi như chất chống oxy hóa.

Chúng có thể gây đột biến lượng đường trong máu và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa khác, chẳng hạn như bệnh tim mạch.

3. Đồ chiên rán

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng nhất trí rằng người bị tiểu đường nên tránh xa đồ chiên rán.

Đồ chiên rán như khoai tây chiên hoặc gà rán có thể gây ra rủi ro cho> >sức khỏe của người bị tiểu đường do hàm lượng chất béo không lành mạnh và carbohydrate tinh chế cao.

Điều này có thể dẫn đến tăng cân, kháng insulin và mất ổn định đường huyết.

4. Rượu bia

Uống rượu bia có thể nguy hiểm cho những người bị tiểu đường.

Rượu ảnh hưởng khả năng giải phóng glucose của gan, làm tăng nguy cơ hạ đường huyết, đặc biệt đối với những người dùng insulin hoặc một số loại thuốc trị tiểu đường khác.

Đồ uống có cồn cũng có thể chứa nhiều đường và carbohydrate, gây ra tình trạng đường huyết tăng vọt và giảm xuống một cách đột ngột.

Ngoài ra, rượu có lượng calo dư thừa và giá trị dinh dưỡng gần như không có cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mỡ cơ thể và mỡ nội tạng, làm trầm trọng thêm tình trạng kháng insulin.

5. Nước tăng lực

Với hàm lượng đường cao và các thành phần kích thích như caffeine và guarana, nước tăng lực có thể gây tăng đột ngột lượng đường trong máu và tăng kháng insulin, có khả năng khiến việc kiểm soát đường huyết càng khó khăn hơn.

6. Kẹo

Không có gì đáng ngạc nhiên khi kẹo nằm trong danh sách này. Kẹo rất nhiều đường nhưng lại ít chất dinh dưỡng, do đó nó có thể khiến lượng đường trong máu tăng vọt.

Những viên kẹo ngọt ngào, nhỏ xinh có thể khiến bạn dễ dàng ăn đồ ngọt quá mức, làm tình trạng đường huyết trở nên tồi tệ hơn.

Đối với những người thèm đồ ngọt, bạn nên chọn trái cây sấy không đường, hay các loại kẹo ít đường hoặc không đường.

(Theo Fox News)

Theo Hoàng Nguyên/Gia đình mới