Thiếu sắt là một vấn đề sức khỏe thường gặp, và dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn đang thiếu đi loại khoáng chất cực kỳ quan trọng này.
Sắt là một trong những khoáng chất quan trọng nhất đối với cơ thể. Sắt tham gia vào quá trình tạo hồng cầu, đồng thời giúp tăng khả năng tập trung của trí não, nhưng sự thật đáng buồn là phần lớn mọi người lại không có đủ lượng sắt trong cơ thể.
Thiếu sắt là loại hình thiếu vi chất >dinh dưỡng phổ biến nhất trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng, gần một nửa trong số 1,62 tỷ trường hợp mắc bệnh thiếu máu của thế giới mỗi năm là do thiếu sắt. Tình trạng thiếu sắt chủ yếu xảy ra ở nhóm phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, phụ nữ có kinh nguyệt kéo dài, những người hiến máu thường xuyên, người ăn chay hoặc thuần chay, và nữ giới sẽ dễ bị hơn nam giới.
Thiếu sắt diễn ra trong 3 giai đoạn, với giai đoạn nghiêm trọng nhất đó là bệnh thiếu máu. Thiếu máu là khi cơ thể không có đủ sắt để tạo ra hemoglobin, một loại protein chịu trách nhiệm cung cấp oxy cho các mô của bạn. Điều này khiến cho số lượng hồng cầu giảm, dẫn đến mệt mỏi, chóng mặt, khó thở và da xanh xao. Dưới đây là những triệu chứng thiếu sắt ở giai đoạn sớm để bạn có thể tự nhận biết và bổ sung sắt cho cơ thể mình.
Thèm ăn những thứ không phải là thực phẩm
Nếu như có ý nghĩ muốn nếm thử đinh sắt, đất, đất sét… luẩn quẩn trong đầu bạn thì rất có thể cơ thể bạn đang bị thiếu nhiều khoáng chất, mà sắt là một trong số đó.
Tình trạng này được gọi là "hội chứng pica" và rất khó để nắm bắt, chủ yếu là vì mọi người xấu hổ khi thừa nhận rằng, họ có những ý nghĩ kỳ lạ này. Việc này thường xảy ra ở trẻ nhỏ hoặc phụ nữ mang thai, nhưng nghiên cứu cũng đã cho thấy người lớn tuổi cũng có thể có trải nghiệm này. Bổ sung đầy đủ sắt cho cơ thể sẽ khiến bạn quên đi triệu chứng kỳ lạ này.
Móng tay giòn và dễ gãy
Tưởng chừng như vô tri vô giác, tuy nhiên trên thực tế móng tay có thể tiết lộ rất nhiều về tình trạng >sức khỏe của bạn. Móng tay giòn, yếu, dễ gãy và bị biến dạng, bị lõm là dấu hiệu cho thấy >cơ thể bạn đang bị thiếu sắt. Thiếu sắt và các nguyên tố khác trong cơ thể cũng được thể hiện bằng khoảng lớn màu trắng ở dưới móng tay.
Môi khô và nứt nẻ
Môi khô có thể do mùa đông khắc nghiệt, thời tiết khô hanh hoặc thói quen liếm môi, không uống đủ nước. Những người bị thiếu sắt cũng sẽ có đôi môi khô và nứt nẻ, nhưng chủ yếu sẽ xảy ra ở khóe môi. Môi nhợt nhạt cũng là một dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn đang thiếu sắt và không được khỏe.
Khóe môi bị viêm, nứt nẻ sẽ khiến bạn khó cử động môi, ăn và nói. Trong một nghiên cứu điều tra 82 người bị nứt nẻ khóe môi, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, 35% trong số họ đang bị thiếu sắt trong cơ thể. Tình trạng này có thể điều trị bằng các loại thuốc bôi ngoài da, nhưng chỉ khi cơ thể bạn đủ sắt thì triệu chứng này mới thôi không tái phát nữa.
Cảm thấy chân bồn chồn
Nếu bạn đã từng ngồi yên trên ghế và cảm thấy không thể chịu nổi nếu không di chuyển đôi chân mình, rất có thể bạn đã mắc hội chứng chân bồn chồn (RLS). Cảm giác chân bồn chồn đã được mô tả là cảm thấy nóng, ngứa ran, có kiến bò quanh chân mình…
Dù RLS chủ yếu là hệ quả của bệnh suy giãn tĩnh mạch, tuy nghiên một số nghiên cứu đã cho thấy nồng độ sắt thấp có thể là một nguyên nhân gây ra tình trạng này. Một nghiên cứu năm 2013 trên 251 người bị thiếu máu do thiếu sắt đã kết luận rằng, tỷ lệ mắc chứng chân bồn chồn là gần 24%, tức là cao hơn 9 lần so với những người khỏe mạnh.
Lưỡi bị sưng
Một triệu chứng khác ở giai đoạn sớm của thiếu sắt là viêm teo lưỡi. Viêm teo lưỡi là khi lưỡi bạn sẽ sưng lên, mềm đi và có rất ít cảm giác. Vết sưng sẽ cản trở việc nhai, nuốt và nói của bạn.
Trong một nghiên cứu năm 2013 trên 75 người bị thiếu máu do thiếu sắt, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, gần 27% trong số họ bị mắc viêm teo lưỡi, cùng với khô miệng, cảm giác nóng rát trong miệng và các vấn đề khác ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của họ.
Cách để có đủ sắt cho cơ thể
Nếu bạn mắc phải những triệu chứng kể trên, cùng với việc nhanh mệt mỏi và khó thở hơn bình thường khi vận động thì khả năng lớn là mức độ sắt trong cơ thể bạn đang thấp. Bạn nên đến gặp bác sĩ để xét nghiệm máu và nhận được những lời khuyên bổ ích.
Nếu thiếu sắt nặng, bạn sẽ được bác sĩ kê viên uống sắt bổ sung, tuy nhiên nếu mức độ không quá nghiêm trọng, bạn có thể hấp thụ sắt từ thực phẩm. Phụ nữ trong độ tuổi từ 19 - 50 cần ít nhất 18mg sắt mỗi ngày (27mg nếu đang mang thai), trong khi đàn ông chỉ cần 8mg. Thực phẩm nhiều sắt thường có nguồn gốc từ động vật như hàu, gan, thịt bò, cá biển và thịt gà.
Vitamin C sẽ giúp tăng cường hấp thụ sắt và caffeine từ trà cũng như cà phê thì làm giảm đáng kể khả năng hấp thụ chất sắt của cơ thể. Nếu bạn là người ăn chay thì cũng không cần quá lo lắng, bởi trong các loại đậu, rau lá xanh đậm và socola đen cũng có rất nhiều sắt.