Thói quen gắp thức ăn cho nhau, chấm chung bát nước chấm... đã trở nên quen thuộc trong mỗi gia đình Việt, tuy nhiên những thói quen này lại tiềm ẩn nguy cơ gây hại.

Thanh Hà 10:01 20/11/2020

Có rất nhiều bệnh nguy hiểm lây lan qua đường ăn uống mà chúng ta không biết hoặc chủ quan. Đặc biệt, những thói quen như gắp thức ăn, chấm chung nước chấm là những nguyên nhân hàng đầu khiến cho virus, vi khuẩn lây từ người này sang người khác một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Dưới đây là 3 căn bệnh truyền nhiễm rất dễ lây qua đường ăn uống

Bệnh dạ dày, tá tràng

Thủ phạm gây ra căn bệnh này chính là vi khuẩn HP. Thói quen gắp đồ ăn cho người khác, ăn chung đũa, thìa, dùng chung bát nước chấm... là những nguyên nhân có thể làm vi khuẩn HP lây truyền từ người này sang người khác.

Thói quen ăn cơm chung, dùng đũa có thể làm tăng tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP lên 56%. Đực biệt, việc người lớn mớm cơm, nếm đồ ăn của trẻ nhỏ cũng làm tăng nguy cơ trẻ bị nhiễm vi khuẩn.

Vi khuẩn HP có thể dẫn tới tình trạng rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày... nguy hiểm hơn có thể dẫn tới ung thư.

Bệnh thương hàn

Đây là bệnh truyền nhiễm đường ruột cấp tính, nhiễm khuẩn toàn thân do trực khuẩn salmonella gây nên. Bệnh có khả năng lây lan mạnh và lây từ người này qua người khác thông qua đường ăn uống hoặc tiếp xúc gần. Vì vậy ăn chung bữa với người mang bệnh cũng rất dễ khiến bản thân bị nhiễm bệnh.

Rất may, bệnh thương hàn có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, chúng ta cần phải chú ý vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi, rửa tay sạch sẽ, giữ vệ sinh nhà cửa.

Bệnh kiết lỵ

Đây là bệnh nhiễm trùng đường ruột gây ra tiêu chảy, đau bụng. Bệnh thường lây lan do vệ sinh kém, thông qua tiếp xúc với tay, nguồn nước, thức ăn nhiễm khuẩn. Dùng chung bữa với những người mang vi khuẩn kiết lỵ sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh ở người lành.

Thời gian ủ bệnh thường từ 1-3 ngày và có các biểu hiện lâm sàng như đau bụng, tiêu chảy, có mủ nhầy và máu trong phân.

Nếu khi có ý định gắp thức ăn cho người khác bạn nên lưu ý:

- Dùng vật dụng riêng, không phải đồ dùng của bất kỳ ai để gắp thức ăn cho người khác.

- Không dùng những vật dụng gắp đồ sống để gắp thức ăn cho người khác.

- Có thể quay đầu đũa để gắp thức ăn cho người khác

- Khi đi ăn tiệc, liên hoan có thể yêu cầu thêm vật dụng sạch để chuyên dùng gắp thức ăn sẽ đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm hơn rất nhiều.

Theo Thạch Thảo/Gia đình mới