Trước nhận định cho rằng ung thư là một căn bệnh khó điều trị, một khi đã phát hiện thì duy nhất chỉ có con đường tử, các bác sĩ cho biết nếu tầm soát phát hiện sớm, quá trình điều trị bệnh sẽ hiệu quả hơn.
1. Ung thư vú
Dẫn đầu các căn bệnh >ung thư mà các chị em phụ nữ có nguy cơ mắc phải chính là ung thư vú. Đây là loại ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất trong tất cả ung thư phụ nữ với 15.229 trường hợp, chiếm 20,6%, tử vong hằng năm lên đến 6.103 trường hợp trên cả nước.
Ung thư vú là một loại ung thư phát triển từ các tế bào vú, thường bắt đầu ở các tuyến, ống dẫn sữa hoặc các thùy tuyến vú nằm bên trong vú, một khối u ác tính có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
Ung thư vú nếu không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, các tế bào ung thư sẽ có nguy cơ di căn qua đường máu hoặc hạch bạch huyết đến các cơ quan khác. Chẳng hạn, chúng có thể di căn đến phổi, gây viêm phế quản, di căn đến ruột già, gây nên các vấn đề về tiêu hóa. Khi tấn công cơ thể, tế bào ung thư dễ gây nên tình trạng thiếu sắt dẫn tới thiếu máu.
2. Ung thư cổ tử cung
Kế đến là ung thư cổ tử cung theo số liệu thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm trên thế giới có khoảng 500.000 ca mắc ung thư cổ tử cung mới và 250.000 ca tử vong. Như vậy, tính trung bình cứ 2 phút lại có 1 người chết vì căn bệnh này. Chỉ tính riêng tại Việt Nam, khoảng 5.000 phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung/năm, hơn 2.000 trường hợp tử vong.
Ung thư cổ tử cung là một khối u ác tính trong các mô của cổ tử cung. Hai loại bệnh ung thư cổ tử cung chính là ung thư tế bào vảy (loại phổ biến nhất) và ung thư tuyến.
Các dấu hiệu phổ biến nhất để nhận biết ung thư cổ tử cung bao gồm:
- Chảy máu âm đạo giữa các kỳ kinh.
- Chảy máu sau khi quan hệ tình dục.
- Đau trong lúc quan hệ tình dục.
- Âm đạo tiết dịch bất thường.
- Âm đạo chảy máu sau khi mãn kinh.
- Mệt mỏi quá độ.
- Đau hoặc sưng chân.
- Đau lưng dưới.
Các bác sĩ khuyến cáo hầu hết các trường hợp phát hiện ra bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị rất khó khăn. Khi thấy một trong những dấu hiệu trên, phụ nữ cần đi khám tầm soát ung thư cổ tử cung.
3. Ung thư buồng trứng
So với ung thư vú thì số ca mắc mới của bệnh ung thư cổ tử cung và ung thư buồng trứng chỉ chiếm khoảng 10% trong những bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do bệnh ung thư buồng trứng gây ra lại rất cao và thường được phát hiện ở giai đoạn muộn.
Ung thư buồng trứng là tình trạng xuất hiện các khối u ác tính ở buồng trứng. Tế bào trong những khối u này là những tế bào thất thường, chúng có thể xâm lấn và phá hủy các mô xung quanh.
4 giai đoạn của bệnh ung thư buồng trứng
Giai đoạn 1: Tế bào ung thư lúc này chỉ giới hạn ở một hoặc cả hai buồng trứng. 90% những bệnh nhân phát hiện và điều trị bệnh ung thư buồng trứng trong giai đoạn này có cơ hội sống lâu hơn 5 năm.
Giai đoạn 2: Lúc này tế bào ung thư đã lan tới tử cung và có thể là ống dẫn trứng hoặc mô vùng chậu khác. Khoảng 80% phụ nữ phát hiện bệnh ung thư buồng trứng ở giai đoạn này nếu được điều trị thì có thể sống lâu hơn 5 năm.
Giai đoạn 3: Tế bào ung thư đã lan rộng ra màng bụng và bên ngoài khung xương chậu. Có khoảng 50% số phụ nữ được chẩn đoán ung thư buồng trứng ở giai đoạn này có cơ hội sống lâu hơn 5 năm.
Giai đoạn 4: Ung thư đã di căn tới gan hoặc các vùng ngoài bụng. Chỉ khoảng 20% phụ nữ được chẩn đoán ở giai đoạn này có thể sống lâu hơn 5 năm.
Theo chia sẻ của một bác sĩ khoa phụ sản: “Để chấm dứt nỗi sợ ung thư, cách duy nhất bạn nên thường xuyên khám tầm soát ung thư. Giống như mọi căn bệnh khác, càng phát hiện sớm bao nhiêu, càng có khả năng chữa trị thành công sớm bấy nhiêu. Tuy nhiên, chính vì tâm lí ngại ngùng, lo sợ đã khiến nhiều phụ nữ chọn cách phớt lờ, âm thầm chịu đựng. Để đến khi tới bệnh viện khám thì bệnh lúc này đã bùng phát và trở nặng.”