Vợ chồng mắc bệnh ung thư hoặc cả gia đình mắc bệnh ung thư không phải là ngẫu nhiên. Nhưng điều đáng nói chính là nguyên nhân lại bắt nguồn từ thói quen sinh hoạt của người thân trong gia đình.

05:34 30/05/2019

Vì thói quen nhiều năm của chồng, cả vợ cả chồng phải lĩnh hậu quả

Bác sĩ Hồ Nhuận Lỗi, khoa Ngoại lồng ngực, bệnh viện No.1 People's Hospital of Hangzhou đề cập về trường hợp một cặp vợ chồng được chẩn đoán mắc bệnh >ung thư phổi.

Vợ chồng ông Trương - bà Tuyết được con dâu đưa đến bệnh viện khám tổng quát. Kết quả xét nghiệm cho thấy ông Trương có một khối u trong phổi với đường kính 1cm. Bác sĩ Lỗi đã tiến hành cắt bỏ khối u, kết quả hậu phẫu cho thấy ông Trương mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn đầu, đồng thời bà Tuyết cũng được chẩn đoán mắc bệnh giống như chồng.

Khi bác sĩ Lỗi đưa kết quả chụp CT cho hai vợ chồng xem. Bà Tuyết quay sang trách chồng: "Ông thấy chưa? Chỉ tại ông hút thuốc suốt nhiều năm nên bây giờ vợ chồng mình mới ra nông nỗi này".

 

Bác sĩ Lỗi cho biết: "Do thói quen sinh hoạt, cộng thêm yếu tố tác động từ môi trường bên ngoài khiến các cặp vợ chồng như ông Trương - bà Tuyết lần lượt được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Đầu tiên là người chồng tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u, sau đó người vợ đến kiểm tra cũng phát hiện có khối u tương tự". 

Một cặp vợ chồng khác cũng cùng bị ung thư là vợ chồng ông Lưu ở Chiết Giang, Trung Quốc. Theo thông tin đưa trên trang Aboluowang thì vào đầu tháng 1 năm nay, ông Lưu 67 tuổi, đột nhiên xuất hiện các triệu chứng ho, nhiều lần ho ra máu. Sau khi đi kiểm tra, bác sĩ thông báo ông bị ung thư phổi giai đoạn cuối, đã di căn. Một tháng sau, vợ ông là bà Đồng cũng bị ho không ngừng và theo kết quả kiểm tra tại bệnh viện thì bà cũng bị ung thư phổi. 

Điều đáng nói là sau khi tìm hiểu bác sĩ được biết, ông Lưu đã hút thuốc hơn 30 năm nay, ít nhất 2 bao mỗi ngày và khói thuốc lan ra khắp nhà nhiều đến nỗi bà Đồng còn hình dung cuộc sống của mình bị "sương khói bao phủ".

Lời cảnh tỉnh cho những ông chồng có thói quen hút thuốc lá

Bác sĩ Kim, người trực tiếp điều trị cho 2 ông bà Lưu - Đồng, đã phân tích rằng, những cặp vợ chồng đồng thời cùng bị ung thư phổi thường có liên quan chặt chẽ với khói thuốc lá, môi trường sống và thói quen sinh hoạt. Vì ông Lưu hút thuốc lâu năm, bà Đồng là người thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động, dẫn đến cả 2 người đều bị ung thư phổi. Số lượng thuốc lá hút càng nhiều, càng lâu nguy cơ mắc ung thư phổi càng tăng.

Còn bác sĩ Lỗi cũng chia sẻ thêm: "Có hơn 50% người mắc bệnh ung thư phổi là phụ nữ, tỉ lệ sẽ gia tăng khi bên cạnh họ có người hút thuốc. Trong điếu thuốc lá có khoảng 7000 thành phần hóa học độc hại đối với con người. Năm 2000, các nhà khoa học đã xác định 69 chất có thể gây ra bệnh ung thư".

 

Đồng ý với việc thuốc lá là một trong những tác nhân dẫn đến ung thư phổi, dù là hút thuốc trực tiếp hay hít phải khói thuốc một cách thụ động. Bác sĩ Mao Vĩ Mẫn, khoa Ngoại lồng ngực, bệnh viện Zhejiang Cancer Hospital cho biết: "Trong 5 năm gần đây, đối tượng mắc bệnh ung thư phổi có xu hướng thay đổi rõ rệt, có hơn 50% phụ nữ mắc bệnh ung thư phổi có nguyên nhân xuất phát từ người hút thuốc bên cạnh".

Ngày nay, tác hại của thuốc lá đã được phổ biến rộng rãi trên toàn cầu. Hơn nữa, những nguy hại này còn được nhấn mạnh ở chỗ "hút thuốc không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của một người hút mà nó có thể làm tổn hại đến >sức khỏe cả gia đình, những người trực tiếp hít phải khói thuốc lá đó hàng ngày".

Người không hút thuốc nhưng làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc có thể hít vào lượng khói thuốc tương đương với hút 5 điếu/ngày. Trên phạm vi toàn cầu, mỗi năm có 600.000 người chết vì khói thuốc thụ động, trong đó phụ nữ chiếm tỉ lệ cao nhất.

Hiện nay, phụ nữ và trẻ em, những người không hút thuốc lá lại đang là đối tượng phải gánh chịu hậu quả của hút thuốc thụ động, phơi nhiễm ngoài ý muốn nhiều nhất. Theo số liệu được đưa ra tại hội thảo "Tác động của tăng thuế thuốc lá đến sức khỏe phụ nữ và trẻ em" diễn ra năm 2018 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), Tổ chức Sức khỏe toàn cầu Vital Strategies tổ chức, thì có khoảng1/2 trẻ em 13-15 tuổi và 2/3 phụ nữ phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động ngay tại gia đình ở Việt Nam. Trên thế giới, 64% số tử vong do hút thuốc thụ động là nữ.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam nằm trong nhóm những nước có tỉ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới với tỉ lệ hút thuốc thụ động trong nhà là hơn 53% (28,5 triệu người), tại nơi làm việc là gần 37%, trường học là 16%.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ có nguy cơ cao bị viêm đường hô hấp, tăng triệu chứng của đường hô hấp mãn tính như hen, giảm sự phát triển của phổi và tăng nguy cơ đột tử. Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc lá có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sẩy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân.

Còn chần chừ gì nữa hỡi những chiếc "ống khói di động", hãy dập tắt ngay điếu thuốc từ bây giờ để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình và những người thân yêu của mình đi chứ!

Ngày Thế giới Không Thuốc lá là ngày lễ do tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động nhằm gây sự chú ý của cộng đồng tới tác hại của thuốc lá, từ đó để những người đã và đang hút thuốc có thể từ bỏ thói quen xấu này. 

Ngày Thế giới Không Thuốc lá được tổ chức vào 31/05 hàng năm. Chủ đề của ngày Thế giới Không Thuốc lá 2019 là "Thuốc lá và các bệnh về phổi". Thông qua chủ đề này, WHO muốn thông tin đến cộng đồng hậu quả của việc sử dụng thuốc lá với sức khỏe con người, đặc biệt là các bệnh về phổi. Đồng thời qua thông điệp này WHO kêu gọi các quốc gia có những hành động kịp thời nhằm giảm nguy cơ tử vong do các bệnh về phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá.

Theo Mèo Ròm/Helino