Những ngày qua, tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) ghi nhận 2 trường hợp viêm phổi nặng nghi nhiễm cúm gia cầm sau nhiều năm không phát hiện trường hợp nhiễm cúm gia cầm A/H5N1.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế về công tác y tế dịp Tết Kỷ Hợi, những ngày qua, tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) ghi nhận 2 trường hợp viêm phổi nặng nghi nhiễm >cúm gia cầm nguy hiểm. Hai trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm H5N1 vừa nêu đang được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương điều tra dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm sâu.
Trước đó, các đơn vị y tế dự phòng ở địa phương và cơ sở y tế tiếp nhận điều trị hai bệnh nhân đã tiến hành khử trùng môi trường và đang theo dõi >sức khỏe của những người tiếp xúc gần với 2 người bệnh này.
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện cả nước không có ổ dịch cúm nào xảy ra trên gia cầm nhưng không vì thế mà loại trừ khả năng cúm gia cầm xuất hiện trên người, bởi từ lâu các cơ quan chức năng đã phát hiện virus cúm AH5N1 vẫn lưu hành trên đàn gia cầm khỏe mạnh.
Dự kiến, trong tuần tới sẽ có kết quả xét nghiệm từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để kết luận chính xác 2 ca bệnh viêm phổi nặng nói trên có phải nhiễm cúm A/H5N1 hay không.
Đây là 2 trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm H5N1 sau 4 năm Việt Nam không phát hiện bệnh dịch nguy hiểm này trên người. Tại Việt Nam, bệnh cúm gia cầm A/H5N1 lần đần đầu tiên được báo cáo xuất hiện trên gia cầm vào cuối năm 2003. Sau đó, Việt Nam là một trong những nước công bố dịch đầu tiên và bị thiệt hại nhiều nhất trên thế giới, với khoảng trên 45 triệu gia cầm bị tiêu hủy trong giai đoạn 2003 - 2006. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm phải tiêu hủy hàng trăm ngàn con gia cầm. Đồng thời, từ năm 2004-2014, Việt Nam đã ghi nhận 127 người mắc bệnh, trong đó có 64 (50,4%) người chết vì mắc bệnh cúm A/H5N1.
Bệnh cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng truyền lây giữa động vật và người; bệnh đã xuất hiện và gây thành dịch trầm trọng ở gia cầm tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới; làm nhiều người bị nhiễm, chết và có nguy cơ trở thành đại dịch ở người. Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh cúm gia cầm ở động vật; không có ca bệnh cúm gia cầm trên người.
Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của virus cúm gia cầm sang người trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2019, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Không ăn tiết canh, không ăn gia cầm, các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm từ gia cầm không rõ nguồn gốc.
3. Bảo đảm vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng cho gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
4. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
5. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.