Trước sự việc hai người đàn ông ở Hà Tĩnh tử vong do sốc nhiệt khi đi ra đường giữa thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, bác sĩ đưa ra những khuyến cáo đề phòng.
Lãnh đạo UBND xã Kim Song Trường (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) xác nhận, trên địa bàn xã Kim Song Trường vừa có 2 người bị sốc nhiệt tử vong do đi ngoài đường dưới thời tiết nắng nóng gay gắt.
Cụ thể, khoảng 12h ngày 28/4, ông N.H.O. (80 tuổi, trú thôn Đình Hồ, trú xã Kim Song Trường) đi từ nhà người thân ở thị xã Hồng Lĩnh về nhà, khi đến địa phận xã Thanh Bình Thịnh (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) thì bị say nắng, ngất xỉu.
Ngay khi phát hiện, người dân đã đưa ông O. đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng do bị sốc nhiệt nặng cùng với tuổi cao >sức khỏe yếu nên ông đã tử vong.
Trước đó, trưa 27/4, ông Nguyễn Huy T. (70 tuổi, trú thôn Phúc Yên, xã Kim Song Trường) đi bộ từ nhà con ở cùng thôn về nhà với quãng đường chỉ 500m nhưng đã bị sốc nhiệt ngất xỉu nằm ra đường, sau đó tử vong.
Những ngày qua, cả nước vào chuỗi nắng nóng kéo dài (Ảnh minh họa)
Liên quan đến tình trạng nhiều người sốc nhiệt do nắng nóng, TS.BS Phạm Đăng Hải – Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức nội và chống độc, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, sốc nhiệt (heat stroke) có thể được chia thành hai loại gồm sốc nhiệt kinh điển (classic heatstroke) và sốc nhiệt do gắng sức (exertional heatstroke).
Sốc nhiệt kinh điển hay gặp ở người già, cơ thể suy nhược, trẻ em, người có bệnh tim mạch, bệnh thần kinh hay các rối loạn nội tiết, thường xảy ra sau tiếp xúc một cách thụ động với một môi trường có nhiệt độ cao trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày. Còn sốc nhiệt do gắng sức hay gặp những người trẻ, khỏe mạnh với hệ điều hòa nhiệt độ bình thường, xảy ra sau phơi nhiễm với nhiệt độ môi trường tăng cao và đồng thời do sự sinh nhiệt lúc thể dục hay gắng sức.
Theo bác sĩ Hải, sốc nhiệt làm tổn thương đa cơ quan bao gồm hệ thần kinh trung ương, hô hấp, tuần hoàn, gan, thận và huyết học, gây ra tình trạng suy đa tạng nhanh chóng nếu không được xử trí> y tế kịp thời, thậm chí tử vong.
"Vì vậy, việc hiểu biết kiến thức về sốc nhiệt, dấu hiệu nhận biết sớm, cấp cứu kịp thời cũng như dự phòng sốc nhiệt là hết sức quan trọng, giúp chúng ta giảm được tỉ lệ bệnh tật và tử vong", bác sĩ Hải nhấn mạnh.
Dấu hiệu nhận biết người bị sốc nhiệt
Theo bác sĩ Hải, một số dấu hiệu giúp mọi người nhận biết sớm tình trạng sốc nhiệt bao gồm rối loạn ý thức như hôn mê, cơn động kinh.
Rối loạn hô hấp: khó thở, suy hô hấp.
Rối loạn tim mạch: rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, thiểu niệu, kèm theo mệt mỏi, đau đầu, đỏ mặt, có thể nôn mửa, ỉa chảy, nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C, da nóng và khô.
Làm gì khi có người bị sốc nhiệt?
Vị bác sĩ cho biết, khi phát hiện người sốc nhiệt cần ngay lập tức hạ thân nhiệt và hỗ trợ suy chức năng các cơ quan là hai điều cốt lõi trong cấp cứu và điều trị. Người cấp cứu cần đưa bệnh nhân ra khỏi môi trường nóng, chuyển tới nơi bóng râm, mát, cởi bỏ quẩn áo, ngay lập tức hạ thân nhiệt bằng các cách sau:
- Đặt bệnh nhân trong phòng lạnh 20- 22 độ C và quạt
- Xối nước lạnh 25- 30 độ C vào bệnh nhân hoặc phủ gạc ướt, lạnh 20-25 độ C vào bệnh nhân và quạt, có thể ngâm bệnh nhân vào nước lạnh 20- 25 độ C, để đầu trên mặt nước, theo dõi sát chức năng sống.
- Đặt các túi chườm đá vào vùng bẹn, nách, cổ.
Việc hạ thân nhiệt bệnh nhân bằng mọi cách cần được thực hiện, tuy nhiên không được gây cản trở việc vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, có thể vận chuyển bằng xe có điều hòa nhiệt độ hoặc mở cửa sổ, vừa vận chuyển vừa hạ nhiệt bệnh nhân.
Bộ Y tế khuyến cáo hạn chế ra đường trong khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 4 giờ chiều (Ảnh minh họa)
Trước đó, Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) cũng cảnh báo vào mùa nắng nóng, một số vấn đề sức khỏe thường gặp là say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng. Nguyên nhân chủ yếu do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.
Các đối tượng nguy cơ cao gồm: người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai; những người làm việc, >luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức; người mắc các bệnh mạn tính như: tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường...
Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời.
Mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi, tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hàng ngày. Đặc biệt cần uống từ 1,5-2 lít nước/ngày, nên uống thành nhiều lần trong ngày.