Theo Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, có 10 người dân đến tư vấn và điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV do kẻ lạ mặt dùng vật sắc nhọn tấn công.
Tối 7/4, trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, cho biết đã gửi công văn cho Sở Y tế, Công an TP.HCM về việc tiếp nhận nhiều người dân đến tư vấn và điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV do kẻ lạ mặt dùng vật sắc nhọn tấn công.
Theo ông Châu, từ ngày 23/3 đến đầu tháng 4, bệnh viện đã tiếp nhận 10 người dân đến để được tư vấn và điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV. Ngày đông nhất có tơi 5 nạn nhân bị người này tấn công, gây ra những vết thương trên người ở các vị trí như tay, lưng,...
Một số người dân kể lại đối tượng gây thương tích là đàn ông trung tuổi, đi xe máy. Nạn nhân bị tấn công khi đang di chuyển trên đường, xảy ra nhiều nhất tại khu vực quận 5, TP.HCM.
Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM cho hay đến ngày hôm nay không còn bệnh nhân nào đến để tư vấn và điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV từ sự tấn công của kẻ lạ mặt trên. Sau khi đến viện, các bệnh nhận đã được uống thuốc dự phòng phơi nhiễm. 4 tuần sau, bệnh nhân sẽ được tái khám.
Cách điều trị phơi nhiễm HIV
Bác sĩ Hoàng Hải Hà, Khoa Nội, Bệnh viện 09, Hà Nội, cho hay để biết kết quả chính xác nhất một người có bị HIV hay không ngay sau hành vi có nguy cơ lây nhiễm cần phải tiến hành xét nghiệm. Tuy nhiên, cách này lại phải chờ lâu mới có kết quả.
Do đó, để tránh khả năng dương tính với căn bệnh, người bị phơi nhiễm tốt nhất nên điều trị sớm và đúng cách. Những người có nguy cơ lây nhiễm cao, cần phải dùng thuốc càng sớm càng tốt. Tốt nhất là điều trị sớm từ 2-6 tiếng sau khi bị phơi nhiễm và không điều trị muộn quá 72 tiếng (3 ngày) kể từ khi có hành vi nguy cơ.
"Tất cả người phơi nhiễm HIV đều phải điều trị bằng thuốc kháng phơi nhiễm ARV. Đây là phác đồ điều trị bậc một áp dụng chung cho mọi trường hợp trong vòng một tháng. Giá ngoài thị trường của loại thuốc này là từ 700.000 đồng đến 1,1 triệu đồng. Sau đó, người phơi nhiễm dừng thuốc và xét nghiệm lại sau 3, 6, 9 tháng. Khi xác định nhiễm HIV, họ sẽ được điều trị theo phác đồ cụ thể", bác sĩ Hà nói thêm.
Theo bác sĩ Hà, chỉ trong một số trường hợp, người phơi nhiễm không phù hợp với ARV, họ phải chuyển sang dùng loại thuốc khác với phác đồ phức tạp hơn, chi phí lên tới hàng chục triệu đồng.
Chuyên gia lưu ý thêm điều trị bằng thuốc chống phơi nhiễm HIV không phải là lựa chọn cho những người thường xuyên phơi nhiễm.