Tài tử Hong Kong Trần Hạo Dân bị khán giả chê gượng gạo khi diễn lại nhân vật Đoàn Dự sau 26 năm.
Mới đây, trang QQ đưa tin, bộ phim Đại lý phong vân chi huyết hồ điệp do >Trần Hạo Dân, Trương Hàm, Từ Phong và Trương Như Ý đóng chính lên sóng nền tảng xem phim trực tuyến ở Trung Quốc. Tuy nhiên, tác phẩm nhận về vô số lời chê bai của khán giả.
Đại lý phong vân chi huyết hồ điệp bị đánh giá là phim ngôn tình sến sẩm đội lốt võ thuật. Trong phim, Trần Hạo Dân đóng vai hoàng đế yêu nước, thương dân. Sau đó, đất nước của anh rơi vào cảnh lâm nguy vì bị mất quốc bảo đàn tỳ bà. Để lấy lại sự bình yên cho người dân, nhân vật của Trần Hạo Dân phải cải trang đến Tây Hạ tìm lại bảo vật trấn quốc. Thay vì tập trung vào hành trình truy tìm bảo vật, nội dung của các tập phim chỉ xoay quanh chuyện tình cảm, khoảnh khắc Trần Hạo Dân thể hiện nét "soái ca bá đạo" như cưỡng hôn nữ chính hay anh hùng cứu mỹ nhân.
Bên cạnh đó, tác phẩm còn bị nhận xét ăn theo danh tiếng vai diễn cũ của Trần Hạo Dân cũng như Thiên long bát bộ. Nhân vật anh thủ diễn trong Đại lý phong vân chi huyết hồ điệp là Đoàn Hòa Dự - nhân vật có thật trong lịch sử, là nguyên mẫu của Đoàn Dự trong tiểu thuyết Kim Dung. Việc lần nữa đóng vai Đoàn Dự ở tuổi 54 khiến nam diễn viên bị mỉa mai ăn mày dĩ vãng, bất chấp kiếm tiền bằng hào quang quá khứ.
Không ít người cho biết giảm thiện cảm với Trần Hạo Dân vì anh không sáng tạo cái mới, thu hút chú ý bằng nhân vật cũ. Ngoài ra, các cảnh Đoàn Hòa Dự tán tỉnh bạn diễn (ngoài 20 tuổi) bị cho gượng gạo, nam nữ chính không xứng đôi về ngoại hình.
Trần Hạo Dân đóng phim 30 năm, ngoài vai Đoàn Dự ở >Thiên Long Bát Bộ, anh từng gây tiếng vang với vai Tôn Ngộ Không trong Tây du ký 1998, Na Tra trong Đát Kỷ Trụ Vương (2001), Tế Điên trong Tân Tế Công (2010). Những năm gần đây, anh tham gia nhiều dự án nhưng hầu hết không được đánh giá cao, như Tôn Ngộ Không đại chiến Động bàn tơ, Độc võng, Bá vương.
Tài tử và người mẫu Tưởng Lệ Sa kết hôn 12 năm, có bốn con. Theo On, anh gánh vác kinh tế gia đình còn vợ chăm sóc, >nuôi dạy con cái. Vì áp lực kinh tế gia đình, anh nhận phim dễ dãi, không từ chối tác phẩm kém chất lượng. Hiện tại, Trần Hạo Dân bị gọi là "ông hoàng phim rác".