Chuyên gia tạo hình Vương Hy Chung - người dựng hình tượng thầy trò Đường Tăng trong "Tây du ký" 1982, qua đời do tuổi cao sức yếu.
Theo truyền thông đưatin hôm 22/12, nghệ sĩ >Vương Hy Chung mất vì bệnh tật, tang lễ sẽ được tổ chức ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Trên Weibo, nhà quay phim của Tây du ký - Vương Sùng Thu - cho biết ông thăm hỏi Vương Hy Chung hồi cuối tháng 11, ôn lại kỷ niệm thời làm phim. Còn >Lục Tiểu Linh Đồng, người đóng Tôn Ngộ Không, đăng ảnh Vương Hy Chung bên mô hình Tôn Ngộ Không và viết: "Mong thầy yên nghỉ".
Vương Hy Chung thuộc thế hệ chuyên gia hóa trang đầu tiên của Trung Quốc, là bậc thầy lĩnh vực tạo hình nhân vật. Thành công lớn nhất của ông là xây dựng hình tượng bốn thầy trò Đường Tăng và các yêu quái trong Tây du ký.
Tạo hình các nhân vật trên đều do Vương Hy Chung tự mày mò nghiên cứu và thiết kế. Mỗi khi có nhân vật nào cần hóa trang khuôn mặt (hóa trang bộ phận) hoặc hóa trang toàn thân, đoàn làm phim Tây du ký chỉ cần gửi số đo cùng bản thạch cao lấy mẫu các bộ phận của diễn viên về Bắc Kinh. Dựa vào đó, Vương Hy Chung sẽ thiết kế tạo hình mặt nạ, đầu hay tai... của nhân vật rồi gửi lại cho ê-kíp sản xuất.
Tuy nhiên, không phải bất cứ lúc nào Vương Hy Chung gửi mặt nạ hoàn chỉnh tới cũng sẽ được coi là đã xong việc. Ê-kíp phải đánh giá xem tạo hình đó có thực sự phù hợp với diễn viên cũng như yêu cầu của tổ đạo diễn hay không. Đôi khi, do ảnh hưởng từ cảnh quay, đặc biệt là việc quay kỹ xảo trên nền phông xanh, mặt nạ hoặc bộ phận hóa trang nào trùng màu phông sẽ ngay lập tức được mang đi sửa lại. Thông thường, phải sau 2 đến 3 lần sửa, diễn viên mới có được lớp mặt nạ hay bộ phận hóa trang như ý.
Giới chuyên môn nhận xét ông nắm bắt được tinh túy của danh tác cổ điển, vận dụng trí tưởng tượng và sự khéo léo để nhào nặn nhân vật. Khi trả lời khán giả năm 2021, Vương Sùng Thu tiết lộ tạo hình nhân vật trong Tây du ký dần dần được Vương Hy Chung cải tiến trong quá trình quay tổng cộng sáu năm, ngay cả tạo hình Ngộ Không, Bát giới.
Theo tờ Chengdu, nghệ sĩ tạo được dấu ấn riêng biệt cho mỗi nhân vật, khiến các hình tượng tươi mới, sống động. Tuy vậy, công việc này cũng vắt kiệt sức lực của ông. Nghệ sĩ từng nói: "Nỗi khổ chỉ mình tôi biết, nhưng các tạo hình đều được khán giả đón nhận, đó là sự đền đáp quý giá nhất cho sức lao động của tôi".
Tây du ký bấm máy ngày 3/7/1982, sau đó được phát thử tập "Trừ yêu ở nước Ô Kê" vào tháng 10 cùng năm. Đến năm 1986, bộ phim mới được chiếu trọn vẹn trên truyền hình.
Tây du ký ngay từ khi ra mắt đã khuynh đảo màn ảnh nhỏ khắp Châu Á. Trải qua 40 năm, dù nhiều lần được làm lại phiên bản mới, nhưng Tây du ký 1986 vẫn là tác phẩm ăn khách nhất, sở hữu nhiều kỷ lục vô tiền khoáng hậu.
Theo thống kê của các nhà đài Trung Quốc, Tây du ký dẫn đầu về thành tích chiếu lại trên màn ảnh nhỏ. Cụ thể, bộ phim này đã được tái chiếu khoảng 3.000 lần.
Đây là một con số "khủng" mà chưa có một bộ phim nào đạt được tại thị trường tỉ dân. Thậm chí là những tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết khác trong "tứ đại danh tác" như Thủy Hử của Thi Nại An, Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung hay Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần.
Theo QQ, một trong những lý do khiến Tây du ký được yêu mến hơn cả là bởi nội dung phim chứa nhiều yếu tố hài hước, truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa và phù hợp với nhiều đối tượng khán giả.