Ý tưởng ngông cuồng đó không phải của “những người thích đùa” mà ngày nay đã trở thành hiện thực ở nhiều nơi trên thế giới.
Từ hàng chục năm nay, thủ đô Bắc Kinh của Trung quốc đã xuất hiện lối sống “7-2”, tức là >vợ chồng chỉ gặp nhau 2 ngày nghỉ cuối tuần, 5 ngày còn lại, hai người ở hai đầu thành phố.
Trương Thành là tổng biên tập một tạp chí về >đời sống gia đình và vợ anh là Lý Liên Hoa giáo sư đại học. Họ đều ở độ tuổi 40 và sống riêng từ hơn 5 năm nay. Anh Thành cho biết sống riêng như vậy rất lợi về thời gian vì không mất nhiều thì giờ vào việc nội trợ, đặc biệt với những người làm việc trí óc cần yên tĩnh thì hiệu quả công việc tăng rõ rệt.
Theo chị Hoa, khi còn ở chung nhà, anh chị hay tranh cãi những chuyện không đâu, có khi bực mình vô cớ. Bây giờ tuần nào họ cũng có hai ngày đằm thắm yêu đương không khác gì hồi mới cưới. Chị thấy mình có nhiều bạn bè hơn, đời sống tình cảm phong phú hơn và lúc nào cũng cảm thấy yêu chồng hơn.
Cô con gái 11 tuổi sống với chị nhưng vẫn chuyện trò với bố hàng ngày qua điện thoại và “chat”. Từ năm 2000, phương thức sống “7-2” được nhiều cặp vợ chồng ở Bắc Kinh hưởng ứng, đặc biệt trong tầng lớp nghệ sĩ và giáo viên.
Thủ đô Paris của nước Pháp, hiện có 5,8% số cặp vợ chồng lựa chọn giải pháp không sống chung một nhà. Xa nhất là mỗi người ở một nước. Gần hơn là mỗi người ở một thành phố. Gần hơn nữa là, hai nhà chỉ cách nhau có 50 mét.
Trả lời tạp chí "Paris match", những cặp vợ chồng đó cho rằng có nhiều lý do thôi thúc họ sống riêng. Đó là vì nhu cầu độc lập bản thân, vì cần có khoảng cách để quyến rũ nhau, vì họ không muốn đánh mất mình. Có thể đặt tên cho kiểu sống này là “Sự lựa chọn của các nghệ sĩ”, vì hầu hết những người sống theo kiểu này là văn nghệ sĩ.
Trường hợp của Michèle Morgan và Gérard Oury là một ví dụ. Từ 37 năm nay họ sống ở hai nơi khác nhau tại Paris. Họ cho rằng, điều đó chẳng có gì đáng ngạc nhiên, vì trong thế giới đương đại chẳng vẫn tồn tại nghìn lẻ một lý do để không thể ngủ cùng với nhau tất cả các đêm đó sao?
Chính sự xa cách tạm thời này đã thúc đẩy họ năng trò chuyện với nhau hơn. Xa mà gần, gần mà xa là cách nuôi dưỡng những niềm mơ ước. Bởi vì, khi sống chung, ít nhất có một trong hai người cảm thấy gò bó, như là bị buộc phải tiếp tục thực hiện một bản hợp đồng, khi mà người này không còn chịu đựng nổi cách sống của người kia.
Vậy là tạm “chia tay” nhau, nó cho phép mỗi người tìm lại chính mình mà vẫn thông cảm được với người kia. Họ chỉ gặp nhau khi cả hai đồng tình.
Cũng có những người mong muốn làm một cuộc thử nghiệm trước khi dấn thân vào cuộc sống vợ chồng đầy mạo hiểm. Việc thử nghiệm này cũng giống như bài thi trắc nghiệm ở trường học. Hiện có 11% số người sống một mình cho rằng cần phải có một khoảng thời gian ít nhất là 15 tháng thử nghiệm, trước khi họ sống cùng nhau dưới một mái nhà.
Có thể gọi đó là thời gian “tiền hôn nhân”. Giải pháp này đặc biệt được những người đã từng “qua một lần đò” áp dụng, họ thận trọng hơn những người mới “sang sông” lần đầu.
Cũng có một số người tạm sống xa nhau sau một thời gian dài chung sống. Họ cho rằng đó là cách hâm nóng lại tình cảm của họ.
Từ xưa, ông cha ta đã thừa nhận một quy luật của tình cảm là “xa thương gần thường”. Sự xa cách thường tạo nên nỗi nhớ và nỗi nhớ bao giờ cũng đẹp, cũng nên thơ nên nhạc. Những lời ca tha thiết “Anh ở đầu sông, em cuối sông”, “Trường sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây” từ bao lâu nay vẫn rung động lòng người.
Có người cho rằng ngày nay tình nghĩa vợ chồng không được gắn bó như ngày xưa, bằng chứng là tỷ lệ ly hôn cao hơn ngày trước. Thực ra điều đó có nhiều lý do và một trong những lý do quan trọng là sự xa cách do hoàn cảnh chiến tranh gây ra cũng khiến cho con người luôn nhớ nhung, gắn bó với nhau hơn.
Tuy nhiên, tục ngữ cũng có câu “xa mặt cách lòng”, nếu tình cảm vợ chồng đã phai nhạt thì khoảng cách có khi càng làm cho nó nhạt phai hơn.
Theo nhật ký đàm thoại của một trung tâm >tư vấn hôn nhân và gia đình ở Hà Nội, trong số những trường hợp ngoại tình đang gia tăng gần đây, có một tỷ lệ không nhỏ là những gia đình đã có hàng chục năm chung sống ấm êm chung thuỷ, bỗng trở thành dối trá, ăn ở hai lòng từ khi họ có hai, ba ngôi nhà và vợ chồng mỗi người ở một nơi.
Cho nên đến nay chưa thể biết được lối sống vợ chồng ở mỗi người một nơi trong tương lai có trở thành phổ biến không? Vì ngay cả cặp vợ chồng có lẽ là lãng mạn nhất thế giới như Pierre Arditi và Evelyne Bouix vài ngày lại hẹn hò gặp nhau như hai kẻ tình nhân, mới đây cũng bộc lộ với tờ "Voici": ”Sắp tới chúng tôi lại quyết định sống cùng một nhà. Bởi vì, dần dần chúng tôi nhận ra, thật là lãng phí nếu phải sống xa nhau, cuộc đời ngắn lắm”.