Vợ chồng cãi nhau đã căng thẳng, nhưng lôi chuyện quá khứ để chì chiết chau là điều không nên vì nó sẽ ảnh hưởng đến hôn nhân, hạnh phúc gia đình.
Hệ lụy không ngờ khi vợ chồng soi mói nhau chuyện quá khứ
Rất nhiều người trong chúng ta lấy chuyện quá khứ ra làm vũ khí mỗi khi cãi vã, giận hờn nhau. Đôi khi, vợ hoặc chồng thường hạ thấp bạn đời bằng những lời nói cay đắng, kể lại chuyện đã qua và coi đó là cách để người khác cảm thấy đau khổ, coi đó là cách để mình chiến thắng trong cuộc cãi vã.
Xét về mặt nào đó, chì chiết nhau về chuyện quá khứ cũng là sự thể hiện không tôn trọng bạn đời. Ngay cả khi chúng ta chỉ nhắc lại một chút chuyện đã qua, tình cảm vợ chồng sẽ bị ngăn cách không dễ gì nối lại được.
Không nên quan trọng hóa vấn đề khi >vợ chồng cãi nhau
Khi yêu nhau mặn nồng, chúng ta thường thề thốt và bỏ qua mọi thứ. Nhưng đến khi ai đó mắc lỗi lầm, hình tượng dường như sụp đổ. Chúng ta thường muốn mình là người đúng trong cuộc tranh luận đó và "bới lông tìm vết" là chiêu được nhiều người áp dụng.
John Gottman, tác giả cuốn sách The Seven Principles for Making Marriage Work (Bảy nguyên tắc tạo nên cuộc hôn nhân) tiết lộ, có đến 69% những vấn đề trong hôn nhân là không thể giải quyết được. Trong đó có những chuyện nhỏ nhặt nhưng lại biến thành to chỉ vì cách giải quyết của hai người.
John cho rằng những mối quan hệ lâu dài có những vấn đề liên quan đến đặc điểm cá nhân hoặc tính cách và gây ra những xung đột triền miên. Chúng ta nên học cách sống chung với điều đó.
Vợ chồng có thể thay đổi vì nhau. Tuy nhiên, nếu những thứ nhỏ nhặt mà vẫn gây nên xung đột, làm sao để cả hai có thể kiểm soát được những chuyện lớn hơn?
Làm nghiêm trọng vấn đề hay chì chiết nhau có thể dẫn đến những xung đột lớn hơn và thậm chí dẫn đến ly hôn.
Cần làm gì khi vợ chồng cãi nhau?
Thay vì soi mói nhau, hai vợ chồng bạn nên học cách giải quyết vấn đề khi có mâu thuẫn.
Điều đầu tiên và rất quan trọng để hai vợ chồng không cãi cọ, to tiếng với nhau đó là hãy nền nã một chút, học cách kiềm chế cảm xúc của mình.
Khi bạn nghĩ đến việc làm cho người ấy bẽ mặt, hãy quay sang nghĩ đến những điểm tốt đẹp và sự tôn trọng mình đã dành cho bạn đời. Như kiểu khi kết thúc, chúng ta hãy nghĩ đến vì sao ta bắt đầu là vậy.
Bên cạnh đó, chúng ta nên lắng nghe và hỗ trợ người ấy. Dành thời gian để lắng nghe tâm tư, cảm xúc của nhau cũng là cách để hai người cảm thấy gắn bó và hiểu nhau hơn.
Con người không ai hoàn hảo, vợ hay chồng cũng không phải là ngoại lệ. Thế nên chúng ta đừng quá mong chờ một người hoàn hảo để rồi thất vọng khi sống chung với nhau.
Nên nhớ rằng, trước khi bạn quyết định chì chiết ai đó về điều đã qua không thay đổi được, hãy nghĩ về cảm giác của người khác khi nghe những điều đó. Hãy đặt mình vào vị trí của người khác, mình có thật sự chịu đựng được không khi suốt ngày có người nói xấu mình, lôi chuyện quá khứ ra để đe dọa, lôi chuyện cũ ra để khiến mình dằn vặt, đau khổ?
Điều quan trọng là hai người cần biết vấn đề của mình là gì. Điều đó thật sự là khó khăn nhưng rất cần thiết để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc.