Đàn bà dù vất vả hy sinh đến mấy vẫn thấy vui, hạnh phúc, tự hào, vì thấy mình có ích cho chồng con, ngộ nhận là chồng thể nào cũng biết ơn và yêu quý mình hơn vì những hy sinh ấy.
Vẫn tưởng đàn bà càng ngoan thì càng đem đến hạnh phúc cho mình và người khác, nhưng thực tế không phải vậy. Đàn bà mang rất nhiều tội.
Thứ nhất là tội cả tin. Tội này thường trở nên trầm trọng khi bước vào tuổi yêu. Đàn bà luôn yêu bằng tai và tin vào lời đường mật của đàn ông - những câu tán kiểu “em là nữ hoàng trong mắt/tim anh” hay những câu thề non hẹn biển. Lúc đấy, đàn bà trở nên u mê, mất tỉnh táo để nhận chân giả - thực.
Vì cả tin, đàn bà có thể bỏ nhà bỏ cửa, bỏ cả người thân để sang nhà người khác ở. Bố mẹ người khác, chả đẻ chả nuôi mình ngày nào, tự dưng mình gọi là bố mẹ, ra gửi vào thưa, có công kia việc nọ thì cắm đầu vào lo toan, ốm đau thì chăm sóc. Làm tốt chả được ghi công, vì người ta bảo bổn phận con dâu là thế. Làm không ra gì thì người ta chửi, thậm chí lôi cả bố mẹ nhà mình ra để chửi. May phúc được nhà chồng tử tế thì còn đỡ, chứ vớ phải nhà chồng soi mói, tham lam, cay nghiệt thì đời cứ gọi là… khổ thôi rồi.
Tội thứ hai là quá yêu chồng. Vì quá yêu nên lúc nào cũng thấy chồng mình là tốt nhất, đẹp nhất, hoàn hảo nhất. Thậm chí mùi thuốc lá, mùi mồ hôi cũng vẫn thấy thơm tho. “Lão ta” ngủ ngáy vang như sấm, mồm há hốc cũng chẳng thấy phiền hà. Có ai đó lỡ nói xấu chồng thì thể nào nàng cũng ghét người ta cay đắng, thậm chí còn nghĩ vì chồng người ta không bằng chồng mình nên ganh tị. Có những người đàn bà yêu chồng đến nỗi, khi phát hiện bị lừa dối, phụ bạc vẫn cố chịu đựng, sợ mọi người biết sẽ coi thường chồng mình, sợ anh mất uy tín.
Đàn bà vì yêu chồng nên sinh ra tội chiều chồng - chiều đến nỗi cố làm hết mọi việc để chồng vui, thậm chí làm thay cả việc của chồng: nấu ăn, mua quần áo đẹp, trang trí nhà cửa, >nuôi dạy con cái nên người; lại còn đối nội, đối ngoại sao cho đẹp lòng vừa ý mọi người và làm mát mặt chồng. Riết rồi cũng đến lúc mọi việc trở thành việc của mình, tất lẽ dĩ ngẫu phải như thế và không liên quan đến ai, không ai có trách nhiệm với những việc đó ngoài mình.
Tội thứ tư là tội cam chịu và hy sinh quá nhiều. Yêu sinh ra chiều, chiều thì sẽ luôn cam chịu và sẵn sàng hy sinh. Bao nhiêu khổ sở cũng cắn răng chịu, miễn nhà cửa ấm êm, chồng con càng phải ít lo toan càng tốt. Bao nhiêu vất vả cũng cố làm. Làm hùng hục để kiếm tiền ban ngày, làm quần quật việc nhà mỗi tối. Chưa kể đêm đến, đã mệt rã rời cũng phải cố vui vẻ chiều chồng.
Rồi từ cái cam chịu và hy sinh lại sinh ra tội hà tiện. Ngày nghỉ, người ta tranh thủ vui chơi, >giải trí, gặp gỡ bạn bè thì đàn bà lại tranh thủ về quê dự đám giỗ, tham gia việc làng việc họ cho chu toàn. Mà nhà nào chả có đủ tám bề họ. Một tháng, mỗi họ chỉ cần có một việc là đã đi tong tám ngày nghỉ. Tuần nào không vướng việc họ mạc thì lại tranh thủ đi siêu thị, săn hàng giảm giá. Mua được món đồ hữu ích cho gia đình mà giá lại rẻ thì còn gì phấn khởi bằng.
Món ngon, đồ đẹp để dành hết cho chồng con. Đàn bà chuyên nói dối kiểu như: “Mấy cái váy ấy em chả thích, hàng hiệu nhưng chả hợp với em”; hay “mẹ chả thích ăn đùi gà đâu, dai lắm, ăn thịt lườn mềm hơn”. Nhưng nếu đến cả miếng lườn gà ấy mà chồng con cũng thích thì đàn bà sẽ bảo mình thích nhai xương “nghe vui tai”. Bạn mà rủ đi tập yoga hay thể dục thẩm mỹ cho đẹp dáng thì thể nào cũng bảo: “Chỉ cần lau dọn nhà cửa một lượt mỗi ngày còn tốt hơn vạn lần đến phòng tập, lại còn đỡ tốn tiền”.
Một tội nữa của đàn bà là tội cầu toàn - cầu toàn từ trong suy nghĩ, trong cách nuôi dạy con cái đến nền nếp sinh hoạt. Đàn bà lúc nào cũng muốn mọi việc thật tròn trịa, tốt đẹp nhất có thể, nên luôn cố gắng để làm và lo. Đàn bà không bao giờ muốn chồng con mình phải chịu kém cỏi, thua thiệt so với người khác.
Đàn bà lúc nào cũng cố gắng uốn nắn và dạy con cách sống khuôn phép đúng mực, kiểu như: sống phải có đạo đức, có lương tâm, biết nhường nhịn, biết mình biết người; rồi thì cách sinh hoạt, ăn uống, đi đứng, nói năng… Đàn bà thích sạch sẽ, chỉn chu. Nhà cửa lúc nào cũng phải ngăn nắp, gọn gàng nên sẽ không bao giờ chấp nhận thói sinh hoạt tùy tiện, sẽ luôn yêu cầu chồng con tuân thủ nhiều quy tắc sinh hoạt, kiểu như: làm việc gì cũng phải làm cho đến nơi đến chốn, làm đâu gọn đấy.