Sai lầm lớn nhất của chúng ta chính là thể hiện bản tính tồi tệ nhất và mặt xấu nhất trước mặt người thân, nhưng lại dành sự kiên nhẫn và bao dung cho những người xa lạ.

13:00 08/11/2020

Cách đây một thời gian, người bạn tôi than thở: “Cậu có biết tôi đã cạn kiệt nhân lực, vật lực và tài chính để giúp đỡ người bạn tốt của mình với một sự ưu ái đặc biệt. Anh ấy thậm chí không nói từ "cảm ơn" từ đầu đến cuối. Tôi đã nhiệt tình giúp đỡ anh ta, tôi không cần anh ấy phải biết ơn nhưng ít nhất cũng phải cảm ơn tôi chứ!”.

Tôi an ủi người bạn rằng có lẽ người đó nghĩ rằng mối quan hệ cả hai rất bền chặt, nói lời cảm ơn thành ra khách sáo. Có thể người bạn ấy đã mắc một sai lầm mà tất cả chúng ta đều dễ mắc phải: quá lịch sự với người lạ và quá khắt khe với những người thân thiết.

So với việc bạn giúp đỡ bạn bè, cha mẹ đã vất vả nuôi ta khôn lớn, nhưng ai trong chúng ta sẽ nói "Cảm ơn mẹ đã vất vả" khi mẹ đã mất nhiều thời gian nấu cho cả nhà bữa ăn ngon? Hay chỉ biết phàn nàn đồ ăn quá mặn và nhiều dầu. Hãy tưởng tượng bố mẹ bạn sẽ buồn như thế nào sau khi nghe những lời phàn nàn đó.

Người bạn trầm ngâm gật đầu.

Ảnh minh họa: Internet

Sai lầm lớn nhất của chúng ta là dành sự nóng nảy và tồi tệ nhất cho những người quen thuộc và thân thiết, nhưng lại kiên nhẫn và bao dung với người lạ.

Khi đối xử với những người thân cận nhất, chúng ta thường tự nhiên không biết lễ độ, la mắng, phàn nàn, hoặc lười đáp lại. Cũng bởi vì quan niệm rằng người thân vốn đã quá quen thuộc, nên chúng ta quên mất phải lễ phép lịch sự, để rồi dần dần mất đi sự kiên nhẫn, khoan dung và tôn trọng.

Duy trì sự tôn trọng và kiên nhẫn ngay cả với những người thân thiết nhất là một dấu hiệu của sự trưởng thành.

Bất chợt tôi nhớ đến một cặp vợ chồng già ở độ tuổi 70, 80. Dù con cái rất hiếu thảo, chu cấp cho họ đầy đủ hàng tháng nhưng họ kiên quyết không sống cùng con. Họ cho rằng khi về già người ta có nhiều quan niệm và thói quen sinh hoạt khác với người trẻ, sống chung thì phiền, ở riêng sẽ thoải mái hơn.

Một ngày nọ, ông lão vô tình bộc bạch nỗi lòng thật của mình, các con rất ngoan và hiếu thảo nhưng khi ở trước mặt chúng ông cảm thấy mình như đứa trẻ mắc phải sai lầm nào đó. Ông sợ rằng chúng xem ông bà như con trẻ mà quay ngược lại giáo dục mình:

“Sao mẹ không đánh răng trước khi đi ngủ?”.

“Tại sao đến giờ này cha vẫn chưa đi tắm?”.

“Người cao tuổi không nên ăn quá nhiều đồ ngọt đâu ạ”.

Mặc dù chúng ta đều biết rằng con cái là vì lợi ích của mình, nhưng đôi khi nhìn chúng giáo dục chúng ta như những đứa trẻ, chỉ cảm thấy khó chịu mà thôi.

Thực ra, ý định ban đầu của con cái là tốt nhưng đôi khi lại đánh mất đi sự tôn trọng và kiên nhẫn đáng có, mà quên mất lòng tự trọng của cha mẹ già.

Ảnh minh họa: Internet

Người cao tuổi khao khát tình yêu thương được đáp lại, không chỉ là tiền cấp dưỡng hay quần áo, mà họ còn khao khát sự tôn trọng và kiên nhẫn của con cái, mong muốn bạn đối xử với họ như khi bạn còn nhỏ.

Lý do tại sao chúng ta lại để cho những người thân quen và gần gũi nhất có thái độ nóng nảy và tồi tệ nhất là vì chúng ta luôn cảm thấy rằng những người thân thiết nhất sẽ không bao giờ rời bỏ mình, ngay cả khi chúng ta phạm sai lầm và khiến họ tức giận. Họ sẽ không bao giờ đổ lỗi cho chúng ta.

Thật ra, dù là tình cảm gia đình, tình bạn, tình yêu đều rất mong manh, một khi đã xuất hiện vết nứt thì khó có thể lấy lại những tình cảm ban đầu. Ngay cả những người thân thiết nhất cũng sẽ bị tổn thương vì sự thiếu tôn trọng và thiếu kiên nhẫn.

Dù như thế nào, hãy tinh tế, cẩn trọng trong lời nói và hành động của bản thân mà chăm sóc yêu thương họ nhiều hơn. Đây không chỉ là cách thể hiện sự trân trọng người thân yêu mà cũng là cách đối nhân xử thế của một người trưởng thành chân chính.

Theo Thùy Linh/ Gia Đình Việt Nam