Cứ gần đến ngày lễ Valentine, điện thoại của các trung tâm tư vấn tình yêu lại réo liên tục vì nhiều người không biết tặng quà như thế nào? Dưới đây là 5 lời khuyên của chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa .
Tặng quà phù hợp với người nhận
"Tặng gì?" là câu hỏi làm nhiều người băn khoăn. Giá như có thể hỏi trực tiếp người được tặng thì "đáp số" sẽ rất đơn giản. Nhưng như thế còn gì là lãng mạn nữa. Vậy phải làm sao biết họ thích tặng gì? Đó là cái "tài" của người tặng quà để tặng đúng cái mà đối phương thích. Muốn thế, bạn phải thăm dò, quan sát rất tinh tế. Chẳng hạn cô gái muốn tặng người yêu một cái áo sơ-mi phải biết anh ta mặc “size” nào, anh ấy thích gu nào, màu nào. Bạn phải dành thời gian trò chuyện, quan sát tinh tế để tìm “đáp án”. Đừng dại mà tặng chiếc áo mà đối phương không thể mặc.
Quà tặng phải hợp với túi tiền
Nếu bạn là sinh viên mà tặng ai món quà có giá trị lớn thì không khỏi làm cho họ … ái ngại. Và nếu cái ví của người đó cũng lép kẹp như bạn mà phải lo lúc khác mua tặng lại bạn cái gì tương xứng đâm ra khó xử cho họ. Vô tình biến việc tặng quà từ một việc vui thành ra lo nghĩ và lãng phí. Vì món quà đó chưa chắc đã thật cần với họ. Quà tặng >ngày lễ tình nhân cũng không phải là một khoản "trợ cấp" giúp đỡ người nghèo. Nếu bạn có ý định đó hãy tìm một dịp khác. Bạn nên nhớ câu: "Ở đâu đồng tiền có mặt, ở đó không có tình yêu".
Ý nghĩa chân thành
Ý nghĩa của món quà không nên quá khó hiểu. Bởi vì đôi khi có những người nhận quà nhưng nghĩ mãi không ra, phải gọi điện hỏi tư vấn xem nó có ý nghĩa gì, khiến tư vấn cũng bí. Có khi câu đề tặng bí hiểm như câu đố, biến việc tặng quà thành “kiểm tra chỉ số IQ” của nhau.
Thực ra, ý nghĩa món quà ở chỗ nó gợi nhớ một kỷ niệm khó quên giữa hai người chứ không phải để đánh đố nhau. Món quà có ý nghĩa nhất không phải là món quà đắt tiền mà là món quà người ta thích nhất. Có khi chỉ là một đĩa nhạc, một quyển sách, một tấm ảnh kỷ niệm hay một tấm bưu thiếp tự làm. .
Bạn trai nên tặng trước.
Cho dù cuộc sống có tiến bộ, cởi mở thì có một số việc vẫn không nên "bình đẳng" quá. Người con gái không nên tặng quà trước vì có thể xảy ra hai điều không hay: Một là người con trai cảm thấy ... ngượng ngùng khi thấy mình kém ga lăng. Hai là anh ta có thể nghĩ mình bị tấn công, nhất là khi món quà có giá trị đáng kể. Điều đó khiến cho anh ta e dè, né tránh bạn. Trong tình yêu, con trai vẫn thích là người chinh phục, theo đuổi để cảm nhận được "thành tựu" của mình khi "cưa đổ" cô gái mình thích.
Tặng quà một cách trân trọng
Không nên tặng ở chỗ có người khác chứng kiến, trừ trường hợp tặng hoa. Bởi vì nếu ta chỉ tặng một người trước mặt người khác hoá ra "nhất bên trọng, nhất bên khinh" và người được tặng cũng khó xử. Tốt nhất nên gặp riêng và cần tỏ ra trân trọng người được tặng. Món quà cũng nên được gói cẩn thận, đep đẽ, đừng bao giờ để quà trong túi nilon và "dúi" vào tay người nhận.
Chẳng hạn như một món quà Valentine vô cùng ý nghĩa mà lại thân thiện với ví tiền cho những ai có chút khéo tay và kiên nhẫn. Từ tự tay làm ốp điện thoại, trang sức hay đồ trang trí nhà ... với rất nhiều ý tưởng. Một món quà tinh thần vô giá, cực hợp lý với hội yêu sách. Bạn có thể chọn một cuốn sách tình cảm nhẹ nhàng, lãng mạn của tác giả trong hay ngoài nước. Nhớ tìm hiểu sở thích của người kia cũng như xem trước lời gikowis thiệu để không chọn nhầm quà nhé.
Một bức ảnh bằng ngàn lời nói, và nó có thể mang lại rất nhiều kỷ niệm! Hãy chọn một bức ảnh thật đẹp của cả hai, đóng bằng khung do bạn tự làm và đừng quên ghi thêm một câu trích dẫn hay và ký tên của mình lên nhé.
Nhân đây cũng xin bàn thêm về cách ứng xử văn hóa của người nhận quà. Tại sao có người hay được người khác tặng hoa, tặng quà nhưng có người chỉ được tặng một lần rồi họ ... cạch đến già?
Nếu người nhận tỏ ra hờ hững, coi món quà đó không có giá trị kinh tế hoặc làm như thể người kia có nghĩa vụ phải tặng mình thì người tặng chẳng những đã không hào hứng mà còn cảm thấy bị tổn thương. Món quà dù rất nhỏ, nếu nhìn ở giá trị vật chất nhưng có thể lại là vô giá về tinh thần. Nhất là có thứ người ta phải kỳ công mới có được thì đúng là “của một đồng, công một nén”.
Người nhận nên thể hiện sự sung sướng ra mặt, bộc lộ bằng ánh mắt, nụ cười, bằng những cử chỉ vồn vã, nâng niu, nhưng phải chân thành chứ đừng diễn kịch, sao cho người tặng cảm thấy hả hê, tự hào. Đó chính là món quà tinh thần mà ta tặng lại họ ngay lập tức, khiến người tặng cũng sung sướng không kém.