Có một thực tế hết sức rõ ràng là phụ nữ không đủ khả năng để đặt bản thân mình vào hàng ưu tiên cuối cùng thế nhưng trên thực tế họ lại thường hành xử như vậy. Các chuyên gia cho rằng, phụ nữ nên biết sống “ích kỷ” hơn với tài chính của mình nếu không muốn đưa gia đình vào thế… nguy hiểm.
Theo các chuyên gia, một trong những lý do lớn nhất khiến cho cuộc sống của chị em phụ nữ có gia đình bị rơi vào tình trạng căng thẳng đó là những áp lực về tài chính, nợ nần. Có rất nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan nhưng trong đó có một nguyên nhân thuộc về nội tại của chị em phụ nữ, đó là họ luôn đặt mình vào hàng ưu tiên cuối cùng trong gia đình. Vì hy sinh cho gia đình, phụ nữ không chỉ đưa họ vào thế nguy hiểm mà gia đình họ, đặc biệt là con cái họ cũng bị rơi vào tình trạng bấp bênh.
Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam, một lý do khác khiến cho phụ nữ dễ bị căng thẳng về tiền bạc mà những nghiên cứu trên không đề cập: đó là phụ nữ vốn sinh ra đã mang sẵn cái thiên chức là người cho đi, hy sinh nhu cầu bản thân mình cho chồng con, cho gia đình. Họ có thể trì hoãn việc hàn chiếc răng sâu để mua quần áo cho con đi học. Phụ nữ cũng có thể hy sinh sự nghiệp để dành thời gian nuôi dạy và >chăm sóc con cái, chăm sóc cha mẹ đã già. Phụ nữ thậm chí lấy cả tiền tiết kiệm, tiền hưu trí của mình để chi trả tiền học phí cho con cháu... Đó là sự hy sinh, là lòng vị tha của chị em phụ nữ nhưng chính điều đó cũng đặt phụ nữ vào tình trạng tài chính thiếu an toàn.
Một phụ nữ 60 tuổi làm nghề giúp việc gia đình cho biết, chị sẽ đi làm đến cuối năm sẽ nghỉ bởi chị mắc phải căn bệnh thoát vị đĩa đệm. Số tiền chị kiếm được trong 5 năm đi làm giúp việc gia đình đang gửi tiết kiệm sẽ trở thành khoản tiền gửi ngân hàng, là “nguồn lương hưu” để nuôi sống chị.
Thế nhưng cuối năm đó, người phụ nữ đã dồn hết số tiền đó cho đứa con trai (đã có vợ, có con) đi xuất khẩu lao động. Và chính bởi vậy, cuối năm đó, kế hoạch “nghỉ hưu” của chị bị phá sản. Chị tiếp tục đi lên thành phố làm nghề giúp việc gia đình. Mặc dù lưng đau, chân mỏi nhưng chị vẫn phải gắng gượng làm để kiếm chút tiền vốn cho tuổi già.
Cách ứng xử với tiền bạc, sự hy sinh của chị em phụ nữ cho gia đình, con cái đến đồng tiền cuối cùng không phải là câu chuyện của riêng ai. Không chỉ người phụ nữ làm nghề giúp việc trên có cách ứng xử như vậy mà đây là câu chuyện khá phổ biến ở số đông chị em phụ nữ.
Các chuyên gia khuyên rằng, có một điều hết sức quan trọng như là cốt tủy của chị em cần phải nhớ đó là, muốn con cái mình hạnh phúc thì bản thân các bà mẹ phải là người hạnh phúc và vững vàng trước tiên. Chị em luôn luôn cần một khoản “phòng thân” cho bản thân và cho chính gia đình mình. Chỉ khi nào có một khoản tiền “lặn lưng” thì chị em phụ nữ mới có thể chủ động lo cho cuộc sống gia đình của mình, lo cho con cái mình và lo cho bản thân mình. Chỉ khi như vậy, chị em mới thoát khỏi áp lực nặng nề từ tiền bạc mang lại. Chỉ có như vậy chị em phụ nữ mới không tự đưa mình vào bế tắc không lối thoát.
Phụ nữ khi giải phóng được mình ra khỏi sức nặng của sự không chắc chắn về tài chính sẽ khôi phục lại cảm giác cân bằng. Điều đó sẽ giúp chị em sẵn sàng làm tốt hơn các mối quan hệ vợ chồng, con cái, bạn bè và công việc sự nghiệp của mình.
“Làm phụ nữ nên phải biết tự thương mình, nên biết ích kỷ hơn với tài chính của mình bởi những lý do sau: một là bởi giới tính; Thứ hai là bởi phụ nữ kiếm được ít tiền hơn đàn ông nhưng thường sống lâu hơn họ; Thứ ba là phụ nữ dễ bị bắt nạt bạo hành, dễ bị dồn vào thế cùng hơn… Bởi những lý do này, rõ ràng, phụ nữ không đủ khả năng để đặt bản thân mình vào hàng ưu tiên cuối cùng được. Khi phụ nữ đưa vấn đề an ninh tài chính lên ưu tiên hàng đầu, chị em không chỉ giảm bớt nguồn áp lực căng thẳng đáng kể mà còn giúp cho chị em củng cố tốt hơn mối quan hệ vợ chồng, con cái, gia đình, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp…”, TS Quý nói