Ít nhất, để bảo vệ mình và tương lai cho những đứa con thơ, hãy trang bị kiến thức để biết rằng con dâu có được chia tài sản nhà chồng không, trong trường hợp không thể chung đường chung lối nữa.
Không phải ai khi cưới cũng là vì đang nhăm nhe tài sản nhà chồng. Điều quan trọng nhất vẫn là sự hòa hợp và hạnh phúc bên người mình thương yêu. Nhưng không phải cuộc hôn nhân nào rồi cũng đi đến kết thúc an viên mãn nguyện. Ít nhất, để bảo vệ mình và tương lai cho những đứa con thơ, hãy trang bị kiến thức để biết rằng >con dâu có được chia tài sản nhà chồng không, trong trường hợp không thể chung đường chung lối nữa.
Lấy được chồng giàu có phải là cái phước của người phụ nữ hay không? Chưa đi hết cuộc đời, chưa biết trước được. Chỉ biết rằng trong khi có những người phụ nữ vui sướng sống trong cảnh nhung lụa, phồn hoa, thì cũng có người ngậm không ít đắng cay. Nhà chồng giàu có, nhưng con dâu có được chia tài sản nhà chồng không, điều này còn phải tùy thuộc vào pháp luật và tình huống mà người con dâu đang trải qua.
Câu chuyện 1: Trước khi lấy anh Hải, chị Hà từng là cô hoa khôi đẹp nhất xóm, còn anh Hải cũng là cậu ấm có tiếng ở xứ miệt vườn Sóc Trăng. Năm 18 tuổi, 2 người nên duyên vợ chồng. Làng trên làng dưới ai cũng tấm tắc khen đôi trai tài gái sắc thật xứng đôi vừa lứa.
Ở với anh 7 năm, có với nhau 2 người con, thì 2 lần anh đều lén chị cặp kè trai gái bên ngoài. Tình cảm dần phai nhạt, anh ra mặt hắt hủi chị và các con. Đến một ngày, chịu không thấu, chính chị là người đâm đơn đơn phương >ly hôn anh và yêu cầu chia tài sản.
Nhưng ra đến tòa thì chị mới hỡi ôi, từ trước đến giờ toàn bộ gia sản trong nhà đều là của bố mẹ chồng. Theo pháp luật, chồng chị chẳng có tí chút tài sản riêng nào. Chị cũng không thể chứng minh được mình có đóng góp gì trong khối tài sản chung của gia đình. Vì kết hôn xong chị chủ yếu ở nhà chăm con, phụ việc cho nhà chồng thì bố mẹ chồng cũng nắm giữ hết kinh tế. Vì thế chị đành ngậm ngùi ra đi với hai bàn tay trắng, cùng khoản trợ cấp ít ỏi cho 2 con. Qua một lần đò, một nách 2 con, chị mới bắt đầu sống độc lập lần đầu tiên trong đời. Cay đắng và tủi nhục...
Câu chuyện 2: Trước khi đến với anh Tuấn thì chị Linh đã trải qua một lần đò, trong khi anh là trai tân. Vì thế, chuyện kết hôn của 2 người không được gia đình nhà anh ủng hộ. Sau nhiều năm, trước sự quyết tâm của đôi trẻ, gia đình anh mới chấp nhận chị, nhưng dĩ nhiên cũng vô cùng miễn cưỡng.
Xác định mình không được yêu mến ngay từ đầu, trong nhiều năm sống chung, chị Linh nỗ lực làm việc và xây dựng gia đình để được bố mẹ chồng yêu thương và coi trọng hơn. Căn nhà cấp 4 lụp xụp cả nhà ở chung được chị xây sửa lại thành biệt thự cơ ngơi bề thế. Chị còn không tiếc tiền mua cho ông bà toàn cao lương mĩ vị.
Đến khi anh với chị không còn tình cảm, đứt gánh giữa đường, chị muốn đòi lại phần tài sản bao năm qua mình đã làm lụng cực khổ. Nhưng bố mẹ chồng nhất quyết không công nhận bất cứ phần đóng góp kinh tế nào của chị. Đành đoạn lắm chị mới phải đem sự việc ra tòa. Thế mà, do không thể chứng minh được tài sản nào là do chị tạo dựng, chị Linh cũng đành ngậm ngùi ra đi với 2 bàn tay trắng...
Về chuyện con dâu có được chia tài sản nhà chồng không hay con dâu có quyền thừa kế không, căn cứ theo Luật Hôn nhân gia đình: Nếu khi ly hôn, tài sản vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình nếu có thể xác định được, thì sẽ trích ra từ khối tài sản chung đó để chia giữa vợ và chồng. Ngược lại, nếu không xác định được, tòa sẽ căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng trong việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như >đời sống chung của gia đình để chia.
Tuy nhiên, cái khó trong câu chuyện chính là nếu muốn được phân chia theo pháp luật, người vợ/ con dâu cần chứng minh được tài sản nào do vợ chồng hay do bản thân tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân. Còn tài sản không chứng minh được vẫn sẽ thuộc về nhà chồng.