Nghe thật lạ nhưng chúng ta nên để người mình yêu được tự do buồn bã.
Trong tập thứ 3 của chương trình phát thanh có tên "Chúng ta nên bắt đầu từ đâu?", nhà trị liệu tâm lý kiêm tác giả của những cuốn sách "best-selling" Esther Perel đã dẫn câu chuyện của một cặp đôi đang gặp vấn đề trong tình cảm.
Dù không công khai danh tính, họ vẫn đồng ý để Esther ghi âm phiên trị liệu và chia sẻ công khai. Vấn đề mà họ gặp phải rất phổ biến nhưng người trong cuộc thường không đủ tinh tế để nhận ra.
"Để tôi hỏi anh câu này", Esther nhẹ nhàng nói với người con trai. "Khi cô ấy nói rằng đang cảm thấy điều gì đó không ổn, anh có thấy bị áp lực - như thể phải ngay lập tức làm gì đó không?"
"Giống như tôi muốn làm điều gì đó thì đúng hơn", anh ta nói rõ.
"Phải rồi", Esther đáp lại. "Như thể anh muốn làm gì đó để cảm xúc của cô ấy ổn định trở lại."
Đôi khi, rất khó để chúng ta nói với người mình yêu thương rằng: "Anh lắng nghe em/Anh biết điều đó rất khó khăn/Hôm nay em đã vất vả rồi..." mà không đưa ra lời khuyên mang tính định hướng cảm xúc.
***
Liệu nói những câu như vậy đã phải là cách hữu ích nhất để đáp ứng khi nửa kia đang rơi vào cảm xúc không mấy tích cực? Sự thật là, chẳng ai muốn thấy người mình yêu đau khổ.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu truyền thông xã hội Susanne Jones lại nói rằng: Chúng ta chỉ nên xác nhận hoặc thừa nhận cảm xúc của đối phương - việc này sẽ hiệu quả hơn so với việc sốt sắng giúp họ giải quyết vấn đề, như cho lời khuyên chẳng hạn.
Vấn đề là, đôi khi chúng ta tìm cách xoa dịu nửa kia hơi... sớm và chỉ tập trung vào cảm xúc ở thời điểm đó. Trên thực tế, khuyến khích người đang đau khổ nói ra nỗi lòng của họ sẽ mang tính xây dựng nhiều hơn tìm cách giúp đỡ họ.
Các nhà nghiên cứu tâm lý con người cũng nhận thấy rằng, lời khuyên dù tốt đến đâu cũng không phải là thứ mà người đang đau khổ muốn kiếm tìm.
Theo nhà tâm thần học Arthur Nielsen, lắng nghe cảm xúc của người kia là bước đầu tiên và quan trọng nhất để ta giúp họ giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, để đến được giai đoạn giải quyết khó khăn, chúng ta cần hiểu rõ nguồn cơn mà người kia đang gặp phải.
Các nhà tâm lý học cũng xác nhận rằng: Việc biết lắng nghe có liên quan đến >sức khỏe tinh thần của cả người nghe lẫn người đang gặp rắc rối. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Quan hệ xã hội và Cá nhân (Journal of Social and Personal Relationships) chỉ ra: Chính những người thích cho lời khuyên, hay nói đùa mới là nhóm đối tượng dễ bị trầm cảm và không thực sự hứng thú với câu chuyện của người khác.
Tầm quan trọng của việc để người mình yêu được tự do... buồn bã
Trước vấn đề này, hãy lưu ý rằng lời khuyên đôi khi lại gây mất tập trung và gây ra sự ngắt quãng trong khi trò chuyện về những chủ đề nhạy cảm.
Nielsen thừa nhận rằng, việc lắng nghe để thấu cảm nhiều khi sẽ khiến người nghe bị buồn lây.
Trong cuốn sách "Lộ trình Trị liệu Cặp đôi" của Nielsen, chuyên gia này đưa ra ví dụ: Khi vợ khóc lóc và nói với bạn rằng mẹ mình đã mắc bệnh ung thư - chắc hẳn bất cứ ai lắng nghe cũng cảm thấy đau đớn và không muốn bạn đời của mình đau khổ. Điều đó thật tệ cho cả hai, theo cách nào đó, bạn sẽ muốn chuyển ngay đến giai đoạn "giúp đỡ".
Điều đó không có nghĩa là bạn không có thiện chí. Tuy nhiên, để người mình yêu thương tự do buồn bã mà không phải che giấu cảm xúc là điều cực kỳ quan trọng.
Nếu bạn không cho phép người kia có không gian, thời gian để thể hiện cảm xúc - bạn đang vô tình gạt bỏ cảm xúc hoặc gây áp lực để họ giả vờ phải vui vẻ. Hậu quả sẽ là cảm giác cô đơn, tù túng và chắc chắn điều đó rất tiêu cực cho mối quan hệ tình cảm.
Trên thực tế, hầu hết chúng ta e sợ rằng, để người kia tự do buồn khổ sẽ khiến họ lún sâu hơn và khó có thể thoát ra. Trải nghiệm và cảm xúc của con người là thứ rất phức tạp, nó đa chiều và luôn thay đổi.
Về cơ bản bạn không phải là nhà trị liệu tâm lý, chỉ đơn giản nên lắng nghe và thừa nhận nỗi thống khổ đang tồn tại trong thâm tâm họ. Lắng nghe để thấu cảm đem lại rất nhiều lợi ích về cả thể xác lẫn tinh thần, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nó sẽ tăng cảm giác ấm áp, gắn kết giữa các cặp đôi - bao gồm việc điều hòa huyết áp, tăng tiết "hormone tình yêu" có tên là oxytocin.
Tóm lại, chỉ cần để họ tự do thể hiện cảm xúc và suy nghĩ chứ không cần sốt sắng nghĩ cách giúp họ giải quyết vấn đề. Nên nhớ rằng, lắng nghe để thấu cảm là cách tốt nhất để biến sự căng thẳng thành chiến thắng, là công cụ của sự thân mật và gần gũi giữa người với người.