Khi con người ta trở nên vô tâm, họ không dùng yêu thương và cảm thông để nhìn thấu nhau nữa. Những cố gắng, đôi khi là cam chịu của bạn một khi đã trở nên bình thường trong mắt chồng thì thật khó để thay đổi.
Bạn tôi là một người >phụ nữ đảm đang. Từ nhỏ, bạn đã được mẹ dạy dỗ rất kỹ lưỡng, nhất là các công việc nhà, nấu nướng. Ở bạn luôn có sự nhẹ nhàng, tinh tế và gương mẫu của một người vợ. Bởi thế, tôi luôn tin rằng chồng bạn thật sự rất may mắn.
Cuộc hôn nhân của bạn tôi trông thì khá là hạnh phúc. Chồng bạn đi làm mỗi ngày, tiền đem về cũng không ít. Bạn cũng có công việc làm tại nhà, nhưng vẫn dành thời gian cho bếp núc, nhà cửa, chăm sóc cha mẹ chồng nhiều hơn. Vì chuyện gì bạn cũng có thể làm, lại còn làm rất khéo nên bạn luôn ôm đồm việc vào người. Còn chồng bạn thấy vợ đảm đang, đương nhiên cũng nghĩ rằng để vợ làm hết vẫn tốt hơn.
Đến khi có con, cả việc thay tã cho con, chồng bạn cũng không một lần làm. Nhưng từ ngày có con, công việc nhà vẫn thế, căng thẳng sau sinh càng lớn, bạn dần không chịu nổi áp lực. Bạn cáu gắt với chồng, chuyện gì cũng có thể khiến bạn nổi điên. Mà thật ra, bạn cũng không biết lý do, như có cảm giác gì trong lòng cứ cuồn cuộn, chực trào ra.
Cũng bởi vì thế mà chồng bạn lại càng vô tâm hơn trước. Không còn là vô tâm trước cực khổ, vất vả mỗi ngày của vợ mà còn vô tâm với cảm xúc của vợ. Chồng bạn không còn sợ khi thấy bạn buồn, bạn khóc. Anh ấy nghĩ rằng đó là những việc quá nhỏ nhặt, như những công việc nhà bạn có thể làm thành thạo. Anh ấy nghĩ bạn không cần anh ấy, và anh ấy cũng không cần phải để tâm.
Tôi nói với bạn, hay là thử một lần nói chuyện với chồng, thử một lần để anh ấy biết bạn cần gì, muốn gì. Bạn tôi lắc đầu, chỉ nói rằng, tạo ra một người đàn ông vô tâm thì dễ, nhưng để thay đổi họ khó lắm. Bạn và chồng đã vô số lần ngồi lại nói chuyện với nhau. Bạn muốn chồng hiểu bạn cần chồng chia sẻ với bạn vất vả ở nhà, vì bạn không thể làm hết trong vui vẻ. Nhưng chồng bạn lại hỏi lại, thế tại sao bao lâu nay bạn vẫn có thể làm tốt? Như việc anh ấy có thể làm tốt công việc ở ngoài, thì sao bây giờ bạn lại không thể nữa?
Khi con người ta trở nên vô tâm, họ không dùng yêu thương và cảm thông để nhìn thấu nhau nữa. Những cố gắng, đôi khi là cam chịu của bạn một khi đã trở nên bình thường trong mắt chồng thì thật khó để thay đổi.
Bạn tôi sinh được một đứa con gái. Trong những ngày mỏi mệt nhất, cô ấy cứ thì thầm với tôi:
“Mẹ mình luôn dạy mình phải biết chăm sóc cho chồng con, nấu ăn, làm việc nhà. Nhưng mẹ chưa từng dạy mình làm sao để trở thành một người vợ hạnh phúc. Một người vợ hạnh phúc thì không phải chịu đựng vô tâm từ chồng. Một người vợ hạnh phúc thì không bao giờ thấy cô đơn trong ngôi nhà của mình. Một người vợ hạnh phúc không ôm hết vất vả vào người. Mình sẽ không dạy con mình sống như thế, mình không muốn nó trở thành một người phụ nữ như mình”.
Phụ nữ từ ngàn đời đều được dạy phải đảm đang, hay làm, hiểu chuyện. Mỗi bé gái sinh ra đều có thể được mẹ dạy rằng phải trở thành một người vợ, người mẹ chăm sóc cho một gia đình. Đó là nghĩa vụ thiêng liêng của phụ nữ, nhưng cũng là gánh nặng cả đời không thể trút bỏ. Phụ nữ được dạy phải làm tròn nghĩa vụ của mình, nhưng không phải ai cũng được dạy cách để san sẻ bớt gánh nặng cho người bạn đời cạnh bên. Phụ nữ được dạy để đảm đang, thạo việc, nhưng chẳng mấy ai được dạy làm sao để trở thành một người phụ nữ hạnh phúc trong gia đình. Bởi thế mà phụ nữ mới tự làm khổ mình, tự gieo buồn phiền vào chính cuộc hôn nhân của mình tự lúc nào cũng chẳng hay…