Chồng Phương nói vợ con là gánh nặng giữa lúc con lớn chưa đầy 2 tuổi, con út một tháng, nhưng giờ anh cầu xin được quay lại.
Thu Phương, 29 tuổi (Hà Nội), nửa năm trước còn đang đau khổ vì người chồng ghẻ lạnh vợ con và kiên quyết ly hôn, cũng như khó khăn về kinh tế. Hiện tại, cô có cuộc sống, tài chính ổn định với vai trò là giám đốc đại diện một công ty kinh doanh giáo dục. Cô cũng đang cân nhắc cho vợ chồng cơ hội làm lại từ đầu.
Tôi và chồng đều là dân du học, yêu và cưới trên đất nước Singapore năm 2013. Cuộc sống xa nhà, không người thân, nên chúng tôi dành trọn tình cảm cho nhau. Có thể nói đây là khoảng thời gian viên mãn nhất.
Năm 2015 vợ chồng tôi trở về Việt Nam. Anh làm thiết kế nội thất, nhưng công việc không ổn định, lúc này lúc kia. Tôi vì có em bé nên không đi xin việc mà tập bán hàng online để có thêm thu nhập.
Con tôi sinh ra bệnh thường xuyên khiến sinh hoạt cả gia đình rối loạn. Tôi không còn thời gian dành cho chồng. Anh lại vô tâm, không tự giác giúp vợ. Tôi nghĩ mình không kiếm được tiền nên tự ôm hết mọi việc nhà và biến mình thành mẹ bỉm sữa lúc nào không hay. Và có lẽ đây là một trong những nguyên nhân khiến tôi mất giá trị trong mắt anh.
Năm 2017, sau tiệc thôi nôi con gái một tuổi, tôi phát hiện mình có thai. Khi chồng tôi biết, anh xin tôi bỏ vì nói quá stress. Tôi đồng tình nhưng khi nằm lên bàn mổ, tôi nhận ra đã quá coi trọng tình yêu với anh mà không nghĩ đến đứa con trong bụng, đến sức khoẻ bản thân. Tôi hủy buổi phá thai đó, về nhà đối diện chồng và khóc rất nhiều. Rồi anh cũng đồng tình không bỏ.
Sau chuyến anh đi công tác nước ngoài về, lúc đó tôi bầu chừng 5 tháng, anh thường đi làm về khuya, né tránh vợ. Gọi, nhắn tin cả chục cuộc, anh mới trả lời. Tôi điều tra thì biết anh có thân mật với một đồng nghiệp. Vợ chồng cũng vì chuyện này mà thường xuyên cãi nhau.
Có đêm tôi bụng bầu to vượt mặt, phải bồng con 18 tháng đang sốt, gọi chồng nhưng anh không chịu về. Lần đó tôi giận đòi chia tay, không ngờ anh đồng ý luôn. Sau bình tĩnh lại, nghĩ lỗi do mình quá nóng nảy, tôi năn nỉ chồng bỏ qua nhưng anh vẫn dọn ra ngoài sống. Anh nói muốn phát triển sự nghiệp, vợ con làm anh stress, anh muốn được ở một mình.
Ngày sinh tôi nhắn tin, anh có vào chăm mẹ con tôi được một đêm, nhưng lúc nào cũng than mệt mỏi vì công việc. Tôi 10 ngày liên tục viết thư níu kéo chồng nhưng anh không về. Người thân qua nhà muốn khuyên răn anh thì anh đòi tự tử.
Con được đầy tháng, anh đưa đơn ly hôn. Anh bảo, thời gian ở một mình không vướng bận, cuộc sống rất thoải mái. Tôi thấy tiếc vì mọi việc đã vượt khỏi tầm kiểm soát, nhưng lúc này tôi cũng đã qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý, giờ không muốn đối mặt với chồng nữa. Tôi đồng ý ký giấy: "Vợ chồng thuận tình ly hôn. Chồng giao toàn quyền chăm sóc 2 con cho vợ và đồng ý chu cấp 10 triệu hàng tháng".
Thời gian sau, tôi nhờ người trông con lớn, để cùng con nhỏ đi du lịch hơn nửa tháng ở biển. Cuộc sống ở đó rất vui, người dân thân thiện. Mẹ con tôi ở homestay, sáng sớm tôi đi chợ mua cá về nấu ăn, chiều địu con đi ra biển.
Ở đây tôi gặp được vài mẹ đơn thân người nước ngoài. Họ nói với tôi rằng "Bạn không đơn độc". Từ đó tôi nhận ra cần gia nhập xã hội lần nữa. Tôi tham gia hội single mum quốc tế, học được nhiều chia sẻ của họ về cuộc sống hôn nhân, suy nghĩ lạc quan về sự tan vỡ.
Tôi bắt đầu tận hưởng niềm vui nhỏ nhất là nhìn các con lớn từng ngày. Tôi mạnh dạn dùng số tiền để dành ít ỏi thuê người giúp việc nhà và chăm con. Sau đó tôi bắt đầu lại từ việc kinh doanh bỉm và sữa. Với vốn tiếng Anh, tôi chào hàng đến hội người nước ngoài sống ở Việt Nam nên dần có sự thu nhập và sự tin tưởng. Dù nhận không ít lời chê bai "bao năm du học giờ về bán hàng online", nhưng vì ở nhà lâu ngày, tôi khao khát được đi làm, được sống là chính mình. Tôi cũng muốn kiếm tiền nuôi con vì khi chuyện xảy ra, chồng tôi có lúc gửi tiền, lúc không, với lý do thất nghiệp, khiến tôi nhận ra chỉ có bản thân mới bảo vệ mình được.
Được làm việc, đầu óc cũng linh hoạt hơn. Với bằng cấp trước đó và kinh nghiệm quản trị viên, tôi được giao trọng trách giám đốc đại diện một công ty kinh doanh giáo dục liên doanh với Singapore.
Trước khi ra toà, tôi đã tìm đến một luật sư - cũng là một chuyên gia tâm lý - nhờ tư vấn ly hôn với mong muốn được nuôi hai con và chồng chịu chu cấp hàng tháng. Tuy nhiên, sau khi lắng nghe, chuyên gia nhận định việc chồng tôi vô tâm, ghẻ lạnh vợ con còn có nguyên nhân tâm lý - anh ấy có dấu hiệu bị trầm cảm sau khi làm cha và cần được giúp đỡ.
Sau cùng chuyên gia tham vấn cho tôi một số lời khuyên trước khi ra tòa. Chuyên gia bảo tôi nếu vẫn còn muốn cứu vãn cuộc hôn nhân này thì phải học cách "buông" một lần - thay vì tranh cãi đúng sai chỉ cho nhau sự ức chế, hãy cho chồng thêm thời gian và khoảng cách nhất định để cả hai có thể nhìn lại bản thân mình.
Ngày đứng trước toà tôi nói: "Em không giận, không oán trách anh nữa bởi vì em biết anh cũng chẳng sung sướng gì. Thật lòng em vẫn yêu anh, thương anh nhưng có lẽ em không đủ tốt, không thể mang đến cho anh hạnh phúc và cuộc sống anh kỳ vọng. Em cũng không muốn em và các con cản trở tương lai của anh như anh nói, nên bây giờ anh vẫn muốn ly hôn, em sẽ tôn trọng quyết định của anh.
Em chúc cho anh mọi chuyện như ý nguyện. Chỉ mong anh, mỗi khi có thời gian rảnh rỗi hãy ghé qua thăm, gần gũi với các con. Mong anh cố gắng hoàn thành trách nhiệm trợ cấp cho con để sau này con lớn lên hiểu chuyện, biết rằng mặc dù ba mẹ không thể cho các con một mái ấm hoàn chỉnh nhưng ba mẹ vẫn luôn yêu thương và có trách nhiệm với các con...".
Không ngờ khi tôi nói xong, chồng tôi im lặng hồi lâu rồi xin đình chỉ phiên toà ly hôn. Chị thẩm phán cũng nhận định anh có vấn đề tâm lý và kiến nghị vợ chồng tôi đi gặp chuyên gia để được giúp đỡ. Chồng tôi gật đầu đồng ý.
Phiên toà đã dừng hơn ba tháng. Công việc của tôi hiện tại khá tốt. Việc nhà về cơ bản đã ổn định. Sau phiên đình chỉ ly hôn, chồng tìm tôi chia sẻ thêm về bệnh tình của anh và đề nghị hai đứa quay lại.
Vì tình nghĩa vợ chồng, tôi sẽ không rời bỏ anh lúc này vì tôi biết cảm giác lúc mình cần nhất người bạn đời lại bỏ đi, dù nỗi đau trong tim vẫn day dứt. Tôi vẫn chưa trả lời đề nghị của anh, chỉ động viên anh cùng tôi đi gặp chuyên gia tâm lý, đó là việc quan trọng nhất, những chuyện còn lại sau này mới tính đến. Hy vọng chúng tôi sẽ có thể cùng nhau vượt qua ngày tháng khó khăn trước mắt.
Luật sư, chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân (Hà Nội), người tư vấn cho Thu Phương chia sẻ thêm, hàng ngày chúng ta vẫn đọc ở đâu đó trên mạng xã hội, báo chí những câu chuyện đau lòng liên quan đến bệnh trầm cảm sau sinh ở phụ nữ mà ít ai biết rằng rất nhiều nam giới sau khi làm cha cũng bị các triệu chứng y hệt như vậy: chán nản, suy nhược >sức khỏe, tinh thần do rối loạn giấc ngủ, luôn có cảm giác căng thẳng tức giận muốn bùng nổ, thậm chí có xu hướng làm tổn thương bản thân và cả con của mình.
Việc không có sự chuẩn bị về tâm lý, không trang bị tốt các kiến thức, kỹ năng làm bố, làm mẹ, đồng thời phải gánh vác trách nhiệm kinh tế, áp lực công việc... sẽ làm gia tăng tình trạng này. Nghiêm trọng hơn vấn đề này ở nam giới thường không được chú ý và không điều trị dẫn đến các hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến con cái và cả hôn nhân của họ.
Câu chuyện của Thu Phương còn là thông điệp cho thấy phụ nữ phụ thuộc chồng về kinh tế trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không phải là dấu hiệu tích cực. Vì vậy, như giáo sư xã hội học Lê Thị Quý nói: "Phụ nữ muốn được chồng tôn trọng, kính nể thì hãy cứ mạnh dạn thành đạt trong sự nghiệp ". Đây cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng, hàng đầu quyết định đến vận mệnh và hạnh phúc.