Biết từ bỏ là một loại bản năng, nhưng biết từ bỏ một cách chiến lược chính là bản lĩnh để cuộc sống thỏa mãn hơn, thoát khỏi những ham muốn tầm thường.
Có được ắt phải có mất, cuộc sống của chúng ta luôn là như vậy. Không có sự lựa chọn nào hoàn hảo mà không phải đánh đổi bằng một thứ gì đó. Nhưng chính những lúc đó, chúng ta sẽ học được cách chấp nhận, và tận dụng những gì có được để tạo ra một kết quả tốt hơn. Ngược lại, nếu chỉ tham lam hòng đạt được mọi thứ, chúng ta rất dễ lãng phí phần lớn kinh nghiệm và thời gian một cách vô ích, kết quả nhận lại chẳng ra gì.
Có một câu nói rằng: "Biết từ bỏ là một loại bản năng, nhưng biết từ bỏ một cách chiến lược chính là bản lĩnh." Điều đó có nghĩa là thay vì để tình huống bắt buộc xảy ra, chúng ta nên học cách chấp nhận và từ bỏ những điều cần thiết ngay khi đó là hành động nên làm.
Nhiều người cho rằng, từ bỏ một điều gì đó, chúng ta sẽ trở nên thiếu thốn hơn. Nhưng thực chất, vì con người chỉ có năng lượng và thời gian hạn chế, chúng ta cần tập trung vào mục tiêu duy nhất mình để đạt được một kết quả tốt nhất.
Do đó, người ta đã tổng kết lại rằng, để có thể hưởng thụ cuộc sống tốt hơn, vui vẻ và hạnh phúc hơn, chúng ta phải học được cách từ bỏ. Bắt đầu bằng 2 điều cơ bản nhưng vô cùng quan trọng sau đây:
1. Từ bỏ những tạp niệm thế tục để hướng tới lý tưởng và đam mê
Khi mọi người dần lớn lên, trưởng thành và gia nhập vào xã hội, hầu hết họ đều bỏ quên những giấc mơ và lý tưởng năm xưa của mình. Họ chỉ còn tập trung vào mục đích kiếm tiền để trang trải cuộc sống của mình. Chúng ta muốn tiến xa hơn thì nhất định phải chăm chỉ làm việc và công tác nhiều hơn. Vào thời điểm đó, chẳng ai còn thời gian mà nghĩ đến những giấc mơ cả.
Chính vì mọi người thường chịu thua trước những suy nghĩ thế tục nên luôn đi tìm sự lựa chọn thay thế sao cho đơn giản hơn. Chúng ta sẵn sàng bỏ qua những cơ hội phát triển vì thấy nó mạo hiểm để lựa chọn một công việc ổn định mà nhàm chán.
Bên cạnh đó, trong đầu chứa quá nhiều suy nghĩ lung tung cũng khiến chúng ta dễ bị xao nhãng. Não bộ của chúng ta xử lý mọi việc như một chiếc tổ ong đầy lỗ. Đôi khi chúng ta vừa muốn tập thể dục, vừa muốn học tiếng Anh, lại vừa muốn ăn pizza. Nếu một quả bóng bị đẩy đi quá nhiều hướng, thì sau cùng, nó sẽ chẳng đi đến đâu cả.
Nếu đã hướng tới giấc mơ và lý tưởng cao cả của mình, chúng ta không bao giờ phải xấu hổ vì nó. Nếu không từng có giấc mơ được bay lượn giữa trời như chim, ai sẽ sáng tạo ra máy bay? Nếu không từng nghĩ đến viễn cảnh dạo chơi giữa các hành tinh, ai sẽ là người tạo ra tàu vũ trụ? Mới nghe thì có vẻ vô lý nhưng chính sự khác biệt trong tư duy mới là cách mở ra cánh cửa thành công.
Điều chúng ta cần làm là ngừng tất cả mọi thứ khác. Tập trung hết mọi nguồn lực của chúng ta để đẩy quả bóng về một hướng, gặp trở ngại thì vượt qua, gặp khó khăn thì giải quyết. Sau cùng, chúng ta mới đạt được thành tựu cho mình.
2. Từ bỏ dục vọng và ham muốn để mài giũa tính tình và chí hướng của bản thân
Rất nhiều người đang vô tình để cuộc sống kiểm soát bản thân chứ không phải chính mình chủ động kiểm soát cuộc sống. Có những người vì kiếm chác lợi ích mà sẵn sàng lừa đảo, dối trá. Có những người vì quyền thế địa vị mà bợ đỡ, nịnh nọt. Nếu để mặc những ham muốn, dục vọng đến từ bản năng phát triển, chúng ta khó có thể khống chế những hành vi tiêu cực của mình.
Chẳng hạn như nhân vật lịch sự nổi tiếng của Trung Quốc sống vào cuối triều đại nhà Thanh, Tăng Quốc Phiên (1811 - 1872) cũng từng là một người ham mê nữ sắc khi còn trẻ. Sau đó, ông dần ý thức được rằng, nếu sau này tiến xa hơn trên quan trường, đây có thể trở thành điểm yếu chí mạng của ông, khiến cho kẻ thù có khe hở để lợi dụng. Nếu không lập tức thay đổi, tìm cách khống chế dục vọng của mình, ông sẽ không thể đạt được thành tựu lớn trong đời. Vì thế, dù phải đánh đổi bằng rất nhiều, Tăng Quốc Phiên vẫn nỗ lực khống chế dục vọng của bản thân và làm nên thành công vang danh sử sách.
Do đó, để tâm trí có thể minh mẫn, đầu óc được thanh thản, chúng ta phải học cách từ bỏ dục vọng và ham muốn. Có như vậy, chúng ta mới giành lại quyền kiểm soát cuộc sống của chính mình.