Bi kịch lớn nhất trong cuộc đời người đàn bà là cứ mải miết chạy theo những quán tính, làm theo những lời dạy mà quên mất rằng mình cần gì, muốn gì. Đàn bà muốn hạnh phúc, phải biết lắng nghe tiếng nói sâu thẳm trong tim mình.
Bà già cạnh nhà tôi là một người cực kì khó tính. Bà có mấy đứa cháu nội, xấp xỉ mười chín, hai mươi. Nhà chỉ cách nhau vài mét, ngày nào tôi cũng nghe những lời càu nhàu của bà: “Nấu ăn món thì nhạt, món thì mặn thế này thì sau này chồng nó chửi lên đầu”, “đàn bà con gái, học gì cho lắm, lấy chồng rồi cũng sinh con đẻ cái…”, "làm gì thì làm, đừng để sau này bên nhà chồng chửi nhà này không biết dạy con…”.
Tôi nghe riết, đến nỗi học thuộc lòng. Mỗi lần mấy chị bên nhà lỡ làm bể cái chén, lỡ quét nhà không sạch lại bị bà nội càm ràm cả ngày. Bà và rất nhiều người khác vẫn còn mang suy nghĩ rằng phụ nữ là phải biết nấu ăn thật ngon, biết làm việc nhà thật khéo, phải biết lùi sự nghiệp công danh để chăm sóc gia đình.
Từ khi còn là một bé gái, đàn bà chúng ta đã được dạy "tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu”, để làm những bổn phận thiêng liêng… Nghe ra thì những điều ấy đã cũ, không còn hợp với xã hội hiện đại bây giờ nhưng những “bài học thuộc lòng” như vậy vẫn cứ mãi bó buộc, và ám ảnh lấy cuộc đời của biết bao người đàn bà.
Người chị lớn nhất bên nhà hàng xóm đi lấy chồng. Chồng chị ngoại tình, chị vật vã khóc lóc ôm đồ về nhà với đôi mắt sưng vù. Ngồi chưa nóng chỗ, đã nghe tiếng bà nội càu nhàu: “Đàn bà hư thân chồng nó mới bỏ. Nhà này gia giáo, đã gả con đi thì không có chuyện quay về. Mà đàn ông trên đời này ai chẳng có thói thèm của lạ, mày về nhà cơm lành canh ngọt rồi nó cũng quay về…” Rồi tôi thấy chị lủi thủi, ôm mớ đồ bắt xe ôm quay về nhà chồng.
Bà còn bảo có những điều cuộc đời này luôn mặc định sẵn đó là nhiệm vụ, là thiên chức, là trách nhiệm mà một người đàn bà phải hoàn thành. Sống với một ông chồng vũ phu phải cắn răng chịu đựng, sống với mẹ chồng hà khắc phải tự nhận mình sai bởi mình là mẹ, là vợ…
Ai trong cuộc đời cũng mong muốn mình có một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng với nhiều người đàn bà, làm sao hạnh phúc được khi luôn có những định kiến như vậy bắt họ làm theo? Những điều đó được truyền từ bà, từ mẹ - những con người cũng được học những chuẩn mực đạo đức như vậy từ thuở bé.
Có một lần đi chợ, tôi nghe các bà bàn tán chuyện có ông chồng ngoại tình, ngang nhiên ôm ấp nhân tình trước mặt vợ. Chị vợ điên tiết, tát nát mặt nhân tình, tát luôn cả chồng rồi chủ động đưa đơn ly hôn. Ai cũng bảo chị dại, đàn ông chơi bời “no xôi chán chè” thì cũng về với vợ… Thời gian sau, dứt người chồng tệ bạc chị sống một mình, chăm chỉ nuôi con. Ở quê tôi khi ấy, đàn ông bỏ vợ chứ đàn bà mấy ai chủ động bỏ chồng.
Đàn bà muốn hạnh phúc, có lẽ phải như chị - đi ngược lại những bài học đạo đức dành riêng cho người đàn bà. Xã hội đã thay đổi, đàn bà không chỉ quẩn quanh trong căn bếp nấu ăn, giặt giũ, đầu bù tóc rối rồi tự huyễn hoặc mình rằng đó là “thiên chức”. Dám bước ra xã hội làm công việc mình muốn, dám dứt bỏ người chồng tệ bạc, dám >nuôi dạy con theo cách mà mình cho rằng tốt nhất…
Bi kịch lớn nhất trong cuộc đời người đàn bà là cứ mải miết chạy theo những quán tính, làm theo những lời dạy mà quên mất rằng mình cần gì, muốn gì. Đàn bà muốn hạnh phúc, phải biết lắng nghe tiếng nói sâu thẳm trong tim mình. Trở thành một người mình muốn chứ không phải một khuôn mẫu mà xã hội cần.