Khổng Tử từng nói: “Quân tử học đạo tắc ái nhân”, bậc quân tử thấu hiểu đạo lý cần làm được điều giản dị nhưng căn bản này, đó là yêu thương muôn người.
Nụ cười khiêm nhường xoá nhoà mọi khoảng cách
Năm 1998, một chàng trai trẻ 28 tuổi cùng với vài người bạn hợp tác mở công ty công nghệ thông tin. Trong một lần tình cờ, anh nhận được lời mời đến tham gia hội giao lưu giữa các nhà doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Vừa bước vào hội trường, chàng trai trẻ bất giác nhận thấy chiếc áo trên người anh trông rất quê mùa, trong khi những người khác đều diện đồ Tây và đi giày da bóng láng.
Bởi tự ti ái ngại, anh càng trở nên dè dặt hơn. Hơn nữa anh vừa mới gây dựng sự nghiệp, chưa kiếm được tiền cũng chưa có tên tuổi, trên người anh lúc ấy chỉ khoác một chiếc áo đen cũ kỹ, trông không được đẹp mắt trong một hội trường sang trọng đến như vậy. Chàng trai trẻ thu mình ngồi trong góc nhỏ của hội trường để tránh thu hút sự chú ý từ đám đông.
Sau buổi giao lưu, mọi người đều nán lại để trao đổi danh thiếp cho nhau, chỉ riêng anh là âm thầm chuẩn bị ra về. Bất chợt có tiếng nói vang lên: “Này, sao cậu lại vội đi như thế, tôi vẫn chưa làm quen được với những doanh nhân trẻ như các cậu thì thật sự là đáng tiếc đó”. Nói rồi người lạ mặt kia chủ động đưa cho anh tấm danh thiếp.
Chàng trai trẻ quay đầu nhìn lại, chỉ thấy một người đàn ông lớn tuổi vừa nói vừa tươi cười nhìn mình. Thì ra ông chính là nhà doanh nghiệp vừa phát biểu trên khán đài.
Anh đáp lại với giọng hồi hộp: “Chào ông, ông gọi tôi có chuyện gì không?”.
“Không có gì đặc biệt, chủ yếu là muốn được trò chuyện với các nhà doanh nghiệp trẻ, những người trẻ tuổi như cậu thường có nhiều sáng kiến cho chúng tôi học hỏi”.
Nhà doanh nghiệp lớn tuổi cười nói cởi mở, chàng trai trẻ đành phải nói ra sự thật: “Thật ra, tôi không phải là nhà doanh nghiệp và cũng không am hiểu nhiều về Internet. Tôi chỉ mới mở một công ty nhỏ, hôm nay đến đây là mong được học hỏi đôi chút kinh nghiệm mà thôi”.
“Ồ, ra là như vậy”. Nhà doanh nghiệp vẫn tỏ ra thân thiện: “Không hiểu cũng không sao, có chỗ không hiểu cũng là điều bình thường mà, từ từ mà học rồi cũng sẽ thông. Đây là danh thiếp của tôi, cậu hãy giữ lấy”.
Chàng trai trẻ kinh ngạc nhìn nhà doanh nghiệp, không khỏi xúc động trước sự khiêm nhường của ông.
Sau khi trở về, anh đặt tấm danh thiếp trên bàn làm việc, tự nhủ cần phải luôn ghi nhớ câu chuyện hôm nay để nhắc nhở bản thân rằng, bài học đầu tiên là khiêm tốn và tôn trọng mọi người.
Hơn mười năm qua đi, chàng trai trẻ nay đã trở thành một nhân vật tên tuổi của mạng lưới Internet châu Á, ông chính là nhà đầu tư nổi tiếng, chủ tịch công ty Qihoo 360 Chu Hồng Y.
Trong các bài phát biểu, ông Chu Hồng Y vẫn thường kể lại câu chuyện từng khiến ông xấu hổ nhưng lại nhận được sự khích lệ quý giá đó. Ông nói, một tấm danh thiếp nặng bao nhiêu? Cầm nó trên tay thì thấy rất nhẹ nhàng, nhưng bậc tiền bối lớn tuổi ấy vẫn mỉm cười khiêm nhường gọi ông là “nhà doanh nghiệp” và trao cho ông tấm danh thiếp của mình.
Chính điều đó đã giúp ông có được niềm tin và dũng khí vươn lên. Bước đi cho đến hôm nay, ông đã cảm nhận được sức nặng mà tấm danh thiếp này mang lại.
Ngày nay, có nhiều danh nhân tên tuổi trên vũ đài công nghệ, hay các nghệ sĩ tiếng tăm trong giới điện ảnh và truyền hình đã trở thành cái tên được nhiều người mến mộ. Nhưng ít ai biết rằng, con đường đến thành công của họ có thể bắt đầu từ những câu chuyện thật giản dị về tình người, tình đời. Và người truyền cảm hứng trong những câu chuyện ấy có lẽ mãi mãi sẽ chỉ là những cái tên vô danh không ai còn nhớ tới.
Như Khổng Tử từng nói: “Quân tử học đạo tắc ái nhân”, bậc quân tử thấu hiểu đạo lý cần làm được điều giản dị nhưng căn bản này, đó là yêu thương muôn người. Điều tuyệt vời nhất mà họ để lại cho cuộc đời này chính là dùng phẩm hạnh tốt đẹp của mình để cảm hóa lòng người, dùng thái độ bao dung khiêm nhường để thay đổi cuộc đời…
Muốn biết một người có vận mệnh tốt hay không chỉ cần nghe nói chuyện
Người có vận mệnh tốt là người ăn nói có chừng mực, mỗi lời nói đều thể hiện là người có đạo đức, họ không dùng ngôn từ mạnh để phê phán, chê bai người khác, không dài dòng nói từ chuyện nọ sang chuyện kia, không kể công của bản thân mình sau khi đã giúp ai đó. Lời nói của họ luôn chân thành, với tâm ý động viên, khích lệ người khác.
Biết rõ về một người, không cần nhất thiết phải tận nói, hãy lưu lại cho người ta ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu lại chút “khẩu đức” cho mình. Trách một người không cần phải tận trách, hãy lưu lại cho người ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu được chút độ lượng cho mình. Có công không cần đòi hỏi tận cùng, hãy lưu lại cho người ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu được chút khiêm nhượng cho mình. Đúng lý cũng không cần đoạt tận, hãy lưu lại cho người ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu được chút khoan dung cho mình. Tài năng đừng quá ngạo mạn, hãy lưu lại cho người ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu chút đức khiêm hư cho mình.