Mặc dù đây là thứ mà ai cũng có, nhưng thái độ cũng như những cách tận dụng khác nhau sẽ đem đến những kết quả khác nhau với cuộc đời của mỗi người.
Cách đây không lâu, có một câu chuyện ngắn đã từng trở thành đề tài bàn tán trên các mạng xã hội. Nhân vật chính của câu chuyện này chính là tỷ phú từng giữ vị trí giàu nhất thế giới - Bill Gate.
Nội dung của câu chuyện ngắn gây xôn xao này chỉ xoay quanh một giả thiết ngắn gọn: Nếu Bill Gates vô tình bắt gặp một tờ 100 USD trên đường, ông sẽ không cúi xuống nhặt nó, bởi cứ mỗi giây trôi qua, tài sản của vị tỷ phú này lại tăng thêm 114 USD.
Giả thiết trên không chỉ thể hiện sự giàu có của Bill Gate mà còn khái quát nên một nghịch lý vẫn hằng ngày diễn ra trong cuộc sống của chúng ta. Đó là sự khác nhau trong tư duy quản lý thời gian giữa những người giàu và những người nghèo.
Sự thực là nhiều người chưa được coi là khá giả lại không có khái niệm quý trọng thời gian. Họ luôn lãng phí quỹ thời gian hạn hẹp của mình vì những việc không làm ra của cải hay nâng cao tinh thần, từ đó dần đánh mất nhiều cơ hội quý giá.
Kết quả là cuộc sống của họ cứ mãi quẩn quanh vì cơm áo gạo tiền, khó khăn vẫn hoàn khó khăn.
Ngược lại, đại đa số những người giàu trong xã hội luôn trân trọng về quỹ thời gian ít ỏi của mình. Họ khao khát muốn tận dụng cả 24 tiếng trong một ngày, thậm chí không muốn lãng phí dù chỉ một tích tắc. Cho nên, cuộc sống của những con người ấy chung quy là giàu vẫn hoàn giàu.
Từ sự tương phản trên, sẽ không phải là quá lời khi nói rằng tư duy và thái độ hành xử của mỗi người với thời gian sẽ quyết định số phận của họ giàu hay nghèo.
Từ câu chuyện càng mặc cả càng tăng giá của Benjamin Franklin...
Benjamin Franklin là nhân vật từng được in trên tờ 100 USD. Một trong những quan niệm nổi tiếng của ông chính là thái độ coi trọng thời gian như sinh mệnh, của cải. (Ảnh minh họa).
Benjamin Franklin (1706 - 1790) là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ. Ông được biết tới với nhiều vai trò như chính trị gia, nhà khoa học, nhà văn, thợ in, triết gia, nhà phát minh, nhà hoạt động xã hội, nhà ngoại giao hàng đầu...
Vào năm 1748, sau một quá trình miệt mao lao động không ngừng nghỉ, Benjamin Franklin đã quyết định nghỉ hưu ở tuổi 42 với khối tài sản kếch xù mang lại lợi tức hàng năm lên đến 650 bảng.
Ngoài tài năng và tinh thần miệt mài lao động, một trong những yếu tố quan trọng đem đến cho Franklin sự thành công chính là thái độ quý trọng thời gian.
Ông cũng chính là chủ nhân của câu danh ngôn nổi tiếng vẫn còn được lưu truyền cho tới ngày hôm nay: "Thời gian chính là sinh mạng. Thời gian là vàng là bạc".
Khi Franklin còn trẻ, ông từng mở tiệm sách trước cửa tòa soạn. Thay vì tự mình bán hàng, Franklin lựa chọn thuê một người trông tiệm, còn mình thì bận bịu làm những công việc khác.
Lần nọ, một cậu bé nhỏ tuổi bước vào tiệm sách của Franklin. Sau một hồi chọn lựa tới lui, do dự nửa ngày, vị khách nhỏ tuổi ấy mới dè dặt cầm lên một quyển, mang tới quầy thanh toán và cất tiếng hỏi nhân viên:
"Xin hỏi quyển sách này giá bao nhiêu vậy ạ?".
Nhân viên trả lời:
"Giá của nó là 1 đô la".
Cậu bé dè dặt hỏi thêm:
"Có thể bớt cho em một chút không ạ?".
Người nhân viên dù nhã nhặn nhưng vẫn cất giọng kiên định:
"Rất tiếc em à, giá của quyển sách ấy chính xác là 1 đô la".
Chần chừ thêm một lúc, cậu bé như nghĩ ra điều gì, lại lên tiếng:
"Vậy bác Franklin có ở đây không ạ?".
Người nhân viên trông hàng trả lời rằng ông đang làm việc. Thế nhưng trước sự kiên quyết của cậu bé, người trông hàng cuối cùng cũng chạy vào trong mời Franklin ra ngoài.
Sau khi Franklin đã xuất hiện, cậu bé lặp lại câu hỏi lúc ban đầu:
"Bác Franklin ơi, quyển sách này giá thấp nhất là bao nhiêu tiền ạ?".
Thế nhưng không như mong đợi của cậu, Franklin thẳng thắn đáp mà chẳng chút nghĩ ngợi:
"1 đô và 25 xu, cậu bé à!".
Nghe thấy mức giá này, vị khách nhỏ tuổi không khỏi giật mình.
"Thế nhưng chỉ mới 1 phút trước, nhân viên của bác nói rằng nó có giá 1 đô la thôi mà" – cậu cự nự.
Franklin thản nhiên nói:
"Không sai! Thế nhưng bác thà tự nguyện trả lại cho cháu 1 đô la ấy chứ không muốn bỏ dở công việc của mình để chạy ra đây".
Câu nói này của chủ tiệm thầm ám chỉ việc cậu bé phải trả thêm 25 xu vì lấy đi thời gian của ông.
Trước lời giải thích trên, vị khách nhỏ không khỏi sửng sốt một chút, rồi mạnh dạn hỏi thêm lần nữa:
"Được rồi ạ! Vậy ở thời điểm hiện tại, giá thấp nhất của quyển sách này là bao nhiêu ạ?".
Không ngờ, Franklin lại đưa ra một đáp án khác ban nãy:
"Bây giờ là 1 đô và 50 xu".
Lần này, cậu bé hốt hoảng nói lớn:
"Tại sao bây giờ lại tăng lên 1 đô 50 xu rồi? Không phải mới nãy bác còn nói nó chỉ có giá 1 đô 25 xu thôi hay sao?".
Đáp lại cậu vẫn là vẻ mặt không thể thản nhiên hơn của Franklin:
"Đúng. Thế nhưng mức giá tốt nhất bác có thể đưa ra bây giờ là 1 đô la 50 xu".
Sau cùng, cậu bé không nói thêm câu nào nữa, lặng lẽ để đủ tiền lên bàn, cầm cuốn sách và chuẩn bị rời đi.
Ngay lúc đó, Franklin gọi cậu lại và nói:
"Chờ một chút, bác muốn tặng cháu thêm vài lời khuyên thành thật nữa…".
Khi ấy, Franklin đã viết lên cuốn sách của cậu bé một câu mà cho tới ngày nay vẫn còn được lưu truyền rộng rãi:
"Thời gian chính là sinh mạng, thời gian là vàng là bạc".
... đến bài học thấm thía về thời gian cho những người đổi đời
Mỗi khi đi mua sắm, có không ít người vẫn thường mặc cả theo thói quen, cũng có nhiều người bán sẽ không đành lòng mà giảm giá cho họ.
Thế nhưng trong câu chuyện của Franklin, những lời mặc cả của cậu bé nọ không thể đổi lấy một mức giá thấp hơn mà thay vào đó chỉ là số tiền càng lúc càng tăng.
Nguyên nhân khiến Franklin hết lần này đến lần khác tăng giá tiền của cuốn sách không xuất phát từ lòng tham của lợi lộc, mà đến từ tinh thần quý trọng thời gian như vàng bạc của chính ông.
Cũng nhờ tinh thần trân trọng thời gian này, Franklin mới có thể trở thành chủ nhân của một khối tài sản kếch xù, đủ để ông nghỉ hưu ở tuổi 42 và dành nửa cuộc đời còn lại của mình để làm những việc ý nghĩa khác thay vì chỉ lo kiếm tiền.
Ai cũng biết đời người là hữu hạn, năm tháng qua đi chẳng thắm lại hai lần. Vì vậy, mỗi chúng ta nên quý trọng quỹ thời gian của cuộc đời mình thay vì phung phí chúng vào những việc không đem lại ý nghĩa.
Những đại gia, triệu phú, tỷ phú trên thế giới này không chỉ biết quý trọng thời gian mà còn giỏi tận dụng thời gian.
Họ biến dòng chảy vô hình này trở thành cơ hội kiếm tiền, sau đó dùng hành động và sự nghiệp của bản thân để chứng minh cho một chân lý bất biến – thời gian chính là vàng là bạc.