Câu trả lời của bạn cho câu hỏi này là gì? Mưa rào hay mưa phùn?

21:01 10/08/2020

Mưa rào hay mưa phùn dễ khiến chúng ta ướt quần áo hơn?

Có một hòa thượng trẻ trong cách đối nhân xử thế thương không câu nệ tiểu tiết, tự cảm thấy chúng chẳng có gì quan trọng cần phải để ý.

Một hôm, sư thầy hỏi đệ tử (hòa thượng trẻ) của mình: "Con có biết mưa rào và mưa phùn, loại mưa nào sẽ dễ làm ướt quần áo của chúng ta không?"

Đệ tử nhanh nhảu trả lời: "Tất nhiên là mưa rào rồi ạ".

Sư phụ giải thích: "Nhưng trong cuộc sống, mưa phùn mới dễ khiến quần áo chúng ta bị ướt chứ không phải mưa rào".

Ảnh minh họa: Internet

Đệ tử thấy khó hiểu: "Mưa rào nặng hạt còn mưa phùn thì lất phất bay bay, làm sao mưa phùn có thể dễ làm quần áo ướt hơn được ạ?"

Sư phụ nói: "Bởi khi trời bất chợt đổ cơn mưa rào, mọi người sẽ nhanh chóng nhận ra và cảnh giác hơn. Người mang theo ô sẽ xòe ô để che mưa. Người không mang ô sẽ chạy đến dưới mái hiên trú mưa.

Nhưng nếu chỉ là cơn mưa phùn, mọi người sẽ khó phát hiện ra ngay hoặc là biết nhưng cảm thấy mưa cũng chẳng sao, cho rằng chút mưa nhỏ bay bay này không đủ làm ướt quần áo.

Thế là chuyện ta ta cứ làm, đường ta ta cứ đi, đi trong trời mưa như thế rồi quần áo đã thấm ướt hết lúc nào chẳng hay.

Trong giao tiếp ứng xử, những lời nói, hành động, cử chỉ của chúng ta ví như một cái giơ tay, một cái nhấc chân hay một biểu cảm, một câu nói... đều giống như những hạt mưa phùn nhè nhẹ kia, trông thì rất nhỏ nhưng nếu không để ý, không cẩn thận đề phòng sẽ vô ý làm ướt "quần áo" người khác, gây tổn thương người khác, đồng thời cũng vì thế nhuốm ướt cả cuộc đời của mình, khiến cuộc đời mình chịu gian khó, thiệt thòi và tổn thất".

Hòa thượng trẻ cuối cùng cũng hiểu ra và tự rút kinh nghiệm sâu sắc.

Buông bỏ

Có một khoảng thời gian, vị hòa thượng trẻ cảm thấy cuộc sống rất thống khổ, bế tắc, việc này khiến hòa thượng rất phiền não.

Sư phụ của cậu quyết định dẫn cậu đến một khoảng đất trống rồi hỏi: "Con hãy ngước lên nhìn xem, con thấy được thứ gì?"

Hòa thượng trẻ liền đáp lời: "Bầu trời ạ".

Sư phụ nói tiếp: "Bầu trời rất rộng lớn, nhưng ta có thể dùng một tay che kín cả bầu trời".

Đệ tử nghe xong, tỏ vẻ không tin. Sư phụ lúc này dùng một tay che hai mắt của người đệ tử lại, rồi hỏi cậu: "Giờ con còn nhìn thấy bầu trời nữa không?"

Sau đó sư phụ chuyển chủ đề nói tiếp: "Trong cuộc sống, một chút thống khổ, một chút phiền não, một chút trở ngại cũng giống như bàn tay này.

Chúng ta nhìn thì thấy nó rất nhỏ, nhưng nếu không bỏ nó xuống mà cứ đặt nó ở trước mắt mình, đặt nó ở trong lòng mình thì nó sẽ che khuất bầu trời quang đãng của chúng ta. 

Thế là, chúng ta sẽ bỏ lỡ mất ánh mặt trời, bỏ lỡ mất bầu trời trong xanh và những áng mây sắc màu đẹp đẽ kia nữa".

Hòa thượng trẻ cuối cùng cũng thấu hiểu được nguyên nhân gây ra nỗi thống khổ, phiền não của mình.

Vứt bỏ những thứ cũ kỹ, lỗi thời

Một hôm, có đệ tử đến hỏi vị thiền sư: "Sư phụ, tại sao cả năm nay con cứ cảm thấy mình mãi giậm chân tại chỗ, không có tiến bộ gì thế ạ?"

Thiền sư nghe vậy chỉ cười rồi nói với cậu: "Con uống cốc nước trước đi!"

Rồi ông nhấc bình trà trên bàn lên rót nước vào trong cốc. Nước đã đổ tràn cốc nhưng vị thiền sư không ngừng lại, vẫn tiếp tục rót nước vào cốc.

Đệ tử thấy vậy liền nhắc ông: "Cốc nước đã đầy rồi thưa sư phụ".

Thiền sư đầy ý vị nói với đệ tử: "Đổ thêm chút nữa đi, không chừng có thể chứa thêm được chút nước nữa đấy!"

Đệ tử cười nói: "Cốc đã đầy nước rồi, dù sư phụ có cố đổ thêm nữa, chiếc cốc này cũng không chứa thêm được bao nhiêu nước nữa đâu".

Thiền sư nói: "Ngay cả lý lẽ này con cũng hiểu vậy sao con vẫn hỏi ta?"

Người đệ tử bất chợt ngộ ra, tự lẩm bẩm nói: "Đúng nhỉ, cuộc đời con người cũng giống như thế, nếu chất chứa quá nhiều thứ nhỏ nhặt trong lòng thì sẽ không còn chỗ trống cho những điều khác nữa!"

Thiền sư thấy cậu đã hiểu bèn ôn tồn giải thích: "Đúng vậy, con người luôn hướng đến tầm cao, dòng nước lại luôn hướng về chốn thấp. Rất nhiều người muốn có được điều mình muốn nên chỉ chăm chăm lấp đầy những điều thừa thãi trong lòng.

Nhưng nghịch lý là họ càng làm như vậy thì càng không thể giành được thứ mình mong muốn. Bởi khi ấy, lòng chúng ta đã nặng trĩu vì đầy ắp những tạp niệm rồi, sao còn có chỗ  cho những điều tốt đẹp hơn đây?

Vì thế họ quay sang tìm đủ mọi lý do bào chữa, đổ lỗi cho tuổi già của bản thân. Thực tế thì, sự già đi của con người không thể hiện bởi sự lão hoá trên da thịt, mà trước tiên là lão hoá trên tinh thần.

Khi chúng ta không thể tiếp nạp thêm được những điều mới, thì quá trình lão hoá kia đã rục rịch khởi động chu trình rồi.

Lý do một người không thể tiếp thu được cái mới, không phải là vì anh ta không cần, mà là vì chiếc cốc trong lòng anh ta đã sớm bị tạp niệm lấp đầy mất rồi".

Chiếc cốc trong lòng bạn đã chứa bao nhiêu tạp niệm? Chỉ khi bạn chấp nhận tiêu diệt, loại bỏ những suy nghĩ sai lệch, cũ kỹ thì bạn mới có đủ dung lượng để bổ sung vào đó những điều mới mẻ.

Cuộc sống cũng giống như vậy. Bạn muốn càng nhiều thứ thì lòng bạn càng phải biết chấp nhận buông bỏ vài thứ không cần thiết. Có như vậy lòng ta mới có thể thanh thản học tập và đón nhận những điều mới. Nếu làm được như vậy, cuộc sống ta chắc chắn sẽ không ngừng tích cực tiến lên và ngày một khởi sắc.

Theo Khánh An/ Tổ Quốc