Vợ chồng chính là kiếp trước quay đầu bao lần mới có được một lần tương phùng ở kiếp này. Thế thì phải biết cách để lớn tiếng mấy cũng không rời đi, cãi vã thế nào cũng không buông tay.
Dù là bạn bè thân thiết hay người thân thì vợ chồng vẫn phải giữ thái độ tôn trọng nhau. Và đã tôn trọng nhau thì trong hoàn cảnh nào cũng phải có thái độ vừa phải, giữ gìn thể hiện cho nhau. Để người khác thấy mình cãi vã chính là để họ thấy vợ chồng không tôn trọng nhau.
Vợ chồng ở cả đời với nhau thì càng phải để ý mặt mũi và cảm giác của nhau. Phải nhớ, cãi vã cũng đâu rời đi, giận hờn cũng sẽ ở lại, thế thì nhẹ nhàng một chút, khéo léo một chút. Là vợ là chồng chính là giận rồi lại thương, vậy thì giận ít đi, thương hãy nhiều thêm.
Vợ chồng cãi nhau có vì chuyện nhỏ hay lớn cũng đừng để con thấy. Trẻ nhỏ không đáng phải nghe những lời giận hờn của cha mẹ. Huống hồ, lời nói khi giận dỗi của nhau có khi lại làm trẻ suy nghĩ lệch lạc vài điều.
Chưa kể, khi phải chứng kiến cha mẹ cãi nhau quá nhiều, trẻ dần mang mặc cảm tự ti khi nghĩ gia đình mình không hạnh phúc. Tệ hơn, trẻ sẽ có hướng suy nghĩ không hay về hôn nhân và tình yêu sau này. Tình yêu cha mẹ dành cho nhau chính là nền tảng trong suy nghĩ và cách yêu thương, xây dựng gia đình sau này. Vì vậy, hãy cho con một nền tảng vững vàng và yên bình nhất.
Cãi nhau cũng cần có lúc, có chừng mực vừa phải. Cãi làm gì khi đối phương đang không khỏe, tâm tình không tốt, hay gặp khó khăn trong công việc. Cãi vã cũng cần chọn lúc, chọn nơi, chọn cả chừng mực. Vì vợ chồng cãi là để hiểu nhau hơn, cùng nhau cố gắng và hoàn thiện. Vậy thì cũng chỉ nên cãi khi cả hai khỏe mạnh, thoải mái đôi chút, để tỉnh táo hơn tìm hướng giải quyết.
Nhiều người hay để bụng chuyện cũ của bạn đời, thế là khi có cơ hội sẽ nói lại. Nhưng chuyện đã cũ vốn không nên nhắc lại, đặc biệt là về những lỗi lầm của đối phương. Khi bới móc chuyện cũ vốn không giải quyết được chuyện mới, lại khiến cả hai khó lòng bao dung, cảm thông cho nhau. Ranh giới tử đáng sợ nhất trong hôn nhân chính là lặp lại lỗi sai của nhau quá nhiều lần. Ai cũng có tự ái riêng, càng chạm sâu càng dễ đổ vỡ.
Rõ ràng mâu thuẫn là ở cả hai, đừng kéo người lớn vào. Huống hồ, cha mẹ là để tôn trọng kính nể, hơn là dùng làm vũ khí trong những lúc nóng tính. Và dù là đàn ông hay phụ nữ, lễ nghĩa còn nằm ở đầu môi, xúc phạm người lớn chính là khó có thể bỏ qua. Mà ai lại không trọng cha mẹ mình, càng yêu thương càng không muốn ai động chạm đến, nhất là bạn đời của mình.
Vợ chồng nhắc đến cha mẹ của nhau khi cãi vã thì chẳng khác nào đẩy hôn nhân đến ranh giới báo động. Đây là điều đại kỵ, nhất định không thể phạm phải.
Lời nói không hình không sắc nhưng đủ sức đâm thẳng vào lòng nhau vết thương chí mạng. Lời nói luôn có thể giết chết một cuộc hôn nhân. Vì vậy, giận mấy cũng đừng nói lời phũ phàng với nhau. Lời khó nghe thì cũng chỉ nên nói với người ngoài, sao lại để người yêu thương mình cả đời phải nghe. Để rồi, biết đâu sau đó lại hối hận muộn màng.
Nếu cánh tay đã giơ cao định làm đau bạn đời thì bạn phải hiểu chỉ cần hạ tay xuống, họ cũng không còn bên bạn nữa. Tổn thương từ chính người mình sống bên cạnh sẽ để lại vết tích khó lành nhất. Chỉ là, bạn đời là người cùng mình suốt năm tháng, yêu thương còn chưa đủ, sao nỡ làm đau? Chuyện gì cũng vượt qua được, sao một chút nóng giận không thể vì nhau hạ xuống?
Vợ chồng bên nhau đầu bạc răng long mới khó, chứ cầm bút ký một cái để thành người lạ thì dễ lắm. Thế thì sao còn dễ nói chia ly khi chỉ mới to tiếng với nhau. Mà một người đã lỡ nói, thì người kia cũng chỉ thấy cuộc hôn nhân này không được trân trọng. Vậy thì còn gì giữ lấy nhau, làm sao để cứu vãn.
Vợ chồng đời này chính là kiếp trước quay đầu bao lần mới có được một lần tương phùng ở kiếp này. Người bằng lòng sống cạnh mình đến suốt đời không hoàn hảo. Bạn thân mình làm chồng làm vợ cũng đầy thiếu sót. Thế thì đừng chỉ nhìn vào điểm không tốt ở nhau từ bỏ, phải nhìn vào ưu điểm của nhau mà trân quý giữ gìn. Là vợ là chồng chính là lớn tiếng cũng không rời đi, cãi vã cũng không buông tay.