Khi vấn đề xuất hiện, tiền giống như một cái kính lúp, một chút bất mãn, một chút tì vết bé xíu xiu trong mối quan hệ cũng hóa to đùng thông qua mặt kính.

05:45 12/07/2020

01

Bạn tôi vừa ly hôn mấy tháng trước. Lý do rất đơn giản, không có Tuesday, cũng không phải vì rượu chè cờ bạc, mà vì không có tiền. 

Bạn tôi định mua nhà. Bố mẹ hai bên mỗi nhà đóng góp một ít, hai vợ chồng tự tiết kiệm thêm để đủ tiền đặt cọc nhà. Nó làm việc không biết ngày đêm, ngày đi làm, tối đi dạy gia sư. Cơm hộp 20-30k là xong bữa, có khi một cái bánh mì cũng đủ cho bữa tối. Cứ thế, tích từng đồng từng đồng, tiết kiệm từng chút từng chút. Chồng nó thì khác, vẫn y như ngày xưa, không hề có ý định cố gắng thêm. Nó than phiền nhưng không thay đổi được chồng.

Bớt ăn bớt mặc rất lâu được hơn 300 triệu, lúc chuẩn bị đi xem nhà, nó bất ngờ phát hiện tài khoản bay biến mất quá nửa, chỉ còn 70 triệu. Hóa ra chồng nó lén lấy tiền đi đầu tư linh tinh. Tưởng sẽ nhanh chóng sinh lời nhưng cuối cùng không phải, mất sạch. Chồng nó chắc đinh ninh kể cả bị phát hiện, vợ cũng chỉ giận dỗi mấy ngày là xong. Nhưng lần này, bạn tôi bình tĩnh bất ngờ, nó chủ động đề nghị ly hôn, tự thu dọn đồ đạc, nhanh chóng chuyển về nhà mẹ đẻ.

Lúc kể lại chuyện này với tôi, trông nó không có vẻ gì là đau buồn cho lắm. Nó bảo, mấy năm nay, tất cả chi tiêu trong nhà gần như đều do một mình nó gánh hết. Chồng nó rất tham vọng dù năng lực không đủ, suốt ngày nhảy việc. Nó thất vọng vì chồng nó lâu lắm rồi.

Cái gọi là tình yêu đã sớm biến thành nỗi oán thán giữa bao lo toan cơm áo gạo tiền, giữa cái cảnh giật gấu vá vai lâu dài. "Sao anh lại nghèo như thế? Sao người ta càng ngày càng sướng, chỉ có nhà mình giậm chân tại chỗ, thậm chí còn chạy giật lùi? Vì sao tôi cố gắng nhiều như thế mà sống vẫn khổ? Tất cả là tại anh!" - Suy nghĩ này một khi đã xuất hiện thì sẽ rất khó biến mất. Tại thời điểm kinh tế khó khăn, cảm giác oán trách và không cam tâm cứ quẩn quanh trong lòng nó.

Tôi bỗng nhớ đến một câu nói mình từng đọc được rất thích hợp với tình trạng này của các cặp vợ chồng: Một người có thể chịu được cảnh nghèo, hai người thì không, vì sẽ không nhịn được mà đổ lỗi mình nghèo là do đối phương.

Những người đã tiến vào hôn nhân, đại khái cũng không thể phủ nhận được một điều, tiền thực sự rất quan trọng. Từ những việc nhỏ như ngày lễ ngày tết muốn mua cho đối phương món quà đến những việc to tát hơn như mở rộng mối quan hệ, làm ăn đều cần đến tiền. Không có tiền, chuyện so sánh với người khác là không thể tránh khỏi, cảm giác hối hận cũng không thể tránh khỏi.

Trước khi lấy chồng lấy vợ, chưa thực sự phải đối diện với áp lực kinh tế, bạn sẽ không thể hiểu rõ trải nghiệm này được. Được cùng người ấy chen chúc trong căn nhà trọ mấy mươi mét vuông, nghe tiếng nước mưa tí tách bên hiên nhà nhỏ, bạn nghĩ đấy là lãng mạn. Được cùng người ấy tính toán mấy chục nghìn ăn gì cho đủ mấy bữa, bạn nghĩ đấy là cuộc sống thường nhật. Nhưng bước vào hôn nhân rồi, những ảo tưởng khi trước biến thành hiện thực phũ phàng.

Bạn sẽ bất giác kỳ vọng thật nhiều vào người bạn đã lấy, bạn hy vọng theo bản năng rằng cuộc đời mình từ này sẽ sang trang mới. Tình yêu chỉ cho người ta thêm dũng khí thôi chứ không thể trực tiếp giải quyết các vấn đề thực tế. Cảnh một mái nhà tranh hai trái tim vàng giờ đây đã trở thành mệnh đề vô lý, khó tồn tại.

02

Rất nhiều người trẻ luôn nghĩ rằng tình yêu của mình là trong sáng, thuần khiết, vì yêu mà nhắc đến tiền bạc vật chất thì thực sự quá dung tục, không khác nào đang sỉ nhục tình yêu của họ.

Con trai ở tuổi đó, tiền thì không có nhưng tự trọng lại rất cao. Một khi nhắc đến tiền, anh ta sẽ lập tức: "Em chê anh nghèo à? Không ngờ em lại là người thực dụng như thế!", sau đó thề thốt sẽ nuôi bạn, sẽ cho bạn một cuộc sống đủ đầy. Câu nói ấy ở thời điểm nói ra có lẽ là thật, không phải lừa bạn đâu nhưng bạn cần biết rằng cơ sở kinh tế ngoài quyết định kiến trúc thượng tầng, còn có thể quyết định độ hài hòa của gia đình.

Từng có một bài báo kể về chuyện có một người đàn ông bất ngờ lao vào phòng ICU, muốn rút ống thở của một cô gái nằm trong đó, may mà nhân viên y tế ngăn cản kịp thời. Người đàn ông đó không phải ai khác mà chính là chồng của cô gái.

Cô gái bị suy tim và giãn phế quản cấp tính, đã ở bệnh viện một thời gian dài. Vì chữa bệnh cho vợ, người đàn ông đã tiêu hết tiền tích góp trong nhà, thậm chí nợ nần chồng chất. Lần này, bệnh của vợ anh ta một lần nữa trở nặng, phải chuyển sang phòng chăm sóc đặc biệt, nhìn cả căn phòng chỉ có 4 bức tường, nhìn bệnh tình vợ mình không hề có dấu hiệu khởi sắc, người đàn ông nản lòng vô cùng. Trong lúc xúc động, anh ta lao vào phòng ICU, muốn từ bỏ việc chữa trị.

Tin tức vừa xuất hiện, nhiều người cho rằng, ốm đau một cái là bản chất con người lộ rõ ngay. Và những người có ý kiến này, phần lớn là những người trẻ chưa kết hôn. Thế nhưng vẫn có những người thể hiện sự đồng cảm với người đàn ông, thậm chí hiểu vì sao anh ta lại lựa chọn cách làm cực đoan như vậy.

Tôi rất ngưỡng mộ sự nhiệt tình của người trẻ nhưng lại không thể rao giảng đạo lý, phê phán cách làm của người đàn ông kia được. Một cơn bạo bệnh đủ khiến một gia đình suy sụp, làm tan nát mọi sự dịu dàng, ấm áp trước đó.

Có câu nói thế này: Bệnh lâu ngày bên giường không còn hiếu tử, nghèo lâu ngày trong nhà không có hiền thê. Phải ở phòng ICU nghĩa là mỗi ngày trôi qua, bạn đều phải mất một đống tiền, hy vọng của cả gia đình cũng từng chút từng chút một bị dập tắt. Tiền nuôi cha mẹ già, tiền học hành cho con gái, thậm chí bán cả nhà vẫn khó tránh được cảnh vỡ nợ. Đến cuối cùng, có khi người bệnh vẫn không qua khỏi, và một gia đình, cũng vì thế mà tan nát.

Lấy hết nguồn sống của cả nhà đi đánh một trận chiến không có phần thắng hay là tiếp tục yên lặng tiếp nhận xui xẻo, bảo toàn một gia đình? Tôi tin là người giàu và người nghèo trong trường hợp này sẽ có đáp án hoàn toàn khác nhau.

Không biết các bạn còn nhớ hay không, trên mạng từng lan truyền một confession dài có tiêu đề "Vợ tôi không có tiền chữa bệnh, đã qua đời rồi" khiến bao người rơi nước mắt. Một cư dân mạng có nick name @fdgga kể vợ anh ấy vì không có tiền chữa bệnh nên đã mất. Anh ấy bán hết tài sản trong nhà, vẫn không đủ tiền phẫu thuật cho vợ. Sau khi vợ qua đời, anh ấy đau đớn suy sụp, tự hận bản thân vì bất lực, vì quá nghèo.

Anh ấy viết:

"Tôi vẫn còn nhớ dáng vẻ của vợ tôi, vợ tôi cười đẹp lắm".

"Tôi không xứng đáng là một thằng đàn ông, tôi còn chẳng bảo vệ được vợ mình".

"Cảm ơn mọi người đã muốn quyên góp tiền giúp tôi. Chỉ là giờ tôi không cần nữa rồi. Ngày xưa tôi cần tiền lắm. Rất cần. Tôi sắp đi gặp cô ấy rồi".

Nói xong câu "Tôi sắp đi gặp cô ấy rồi", confession không còn update nữa, @fdgga cũng biến mất không tung tích. Chúng tôi đều hy vọng anh ấy đã có cuộc sống mới chứ không muốn anh ấy vì không cứu được vợ mình mà tự trách rồi tự kết liễu cuộc đời mình.

Đối với những người không có tiền, bệnh tật như một quả búa tạ nện xuống đầu họ. Không có tiền, không chữa được bệnh, chỉ có thể chờ chết. Cảm giác biết mình sẽ ra đi lại bất lực thực sự là cảm giác tuyệt vọng nhất trần đời này.

Có người nói, nghèo khổ nhất trên đời này không phải không có tiền mà là không có tình yêu. Tôi cảm thấy câu này hơi bất công. Tình yêu tất nhiên rất quan trọng, nhưng chỉ trong điều kiện có cơ sở kinh tế, tình yêu mới được vun vén đầy đủ. Nếu không, trải qua những ngày nghèo khó gian nan, tình yêu sẽ dần biến mất thôi.

03

Có một bộ phim kể về một nghiên cứu sinh, vì mua nhà, vì mấy đồng lẻ mà cãi nhau với chồng như mấy bà bán hàng ngoài chợ. Lúc mới xem, tôi thấy ghét nữ chính lắm, không hiểu sao cô ấy cứ phải bù lu bù loa mọi thứ lên.

Sau này lớn lên mới hiểu, một đồng tiền cũng là tiền. Khi không có xu nào dính túi, một đồng tiền cũng hóa thành khoản tiền lớn. Lúc này, tiền giống như một cái kính lúp, một chút bất mãn, một chút tì vết bé xíu xiu trong mối quan hệ cũng hóa to đùng thông qua mặt kính.

Tôi cùng chồng mình luôn là cặp vợ chồng mô phạm trong mắt người khác, mặc dù cũng có cãi cọ nhưng phần lớn thời gian, chồng tôi sẽ luôn nhường tôi. Ấy thế mà hồi mua nhà, chúng tôi suýt chia tay. Nói không hề quá chút nào nhưng khi ấy, dù chỉ mấy chục nghìn tôi cũng phải đắn đo rất lâu. Nhưng tiết kiệm như thế rồi mà vẫn không đủ.

Hai vợ chồng từng cãi nhau ỏm tỏi chỉ vì người thích gạch màu này, người thích sàn màu kia. Vì tức giận, hai vợ chồng cái gì cũng nói, lời tổn thương nào cũng dám thốt ra. Có cảm giác như lúc đó, chúng tôi đã cãi nhau hết luôn phần cho cả đời rồi vậy.

Trong một lần to tiếng qua lại, tôi thốt ra câu: "Không có năng lực, không có tài cán, bắt vợ mình phải đau đầu chỉ vì mấy đồng bạc, sao anh vẫn có thể lấy vợ vậy?"

Chồng tôi sững người, sau đó đóng sập cửa bỏ đi.

Đó là lần đầu tiên anh ấy bỏ tôi lại một mình mà đi mất.

Sau này tôi mới biết, anh ấy xuống dưới nhà hút thuốc cả đêm. Sau lần đó, hai vợ chồng đều thay đổi. Chồng tôi ngày đêm làm việc, tăng ca liên tục. Tôi cũng nỗ lực không ngơi nghỉ. Trong vòng 2 năm sau đó, hai vợ chồng trả hết được cả gốc lẫn lãi. Khoảnh khắc ấy, chúng tôi mới dám thở phào một hơi rồi thoải mái đón nhận cuộc sống mới.

Tôi kể chuyện của mình không phải vì muốn nhắc nhở rằng người nghèo không xứng được yêu, không xứng được kết hôn. Bởi lẽ trên thế giới này, ngoài một số người sinh ra đã ngậm thìa vàng, sinh ra đã ở vạch đích thì chúng ta ai cũng như ai, ít nhất là tính đến tuổi lập gia đình. 

Tôi chỉ muốn nói, tình >yêu hôn nhân không có kinh tế là điều kiện tiên quyết thì rất mong manh, yếu ớt. Hãy nhớ rằng tình yêu có thể quyết định chỉ số vui sướng trong hôn nhân nhưng tiền bạc lại có thể quyết định chỉ số ổn định. 

Trong một mối quan hệ chân thực, chúng ta không cần những cái lãng mạn đó đây như >phim ảnh, chúng ta cần có trách nhiệm với lựa chọn của mình. Bạn không thể phất lên chỉ sau một đêm, nhưng ít nhất hai người cũng phải có một mục tiêu chung, rồi cùng cố gắng vì mục tiêu ấy. 

Không ai muốn vùng vẫy giãy dụa trong đống bùn lầy mãi, cũng không ai muốn cả đời phải sống cảnh nghèo khó. Chúng ta chỉ có thể cố gắng, tiến lên không ngừng. Vì đối phương sẵn sàng chịu khổ cùng bạn mà nỗ lực, vì để đối phương được sống vô ưu vô lo sung sướng mà phấn đấu.

Chỉ có như vậy, bạn mới có thể nói bạn đã làm hết mình vì tình yêu, vì cuộc hôn nhân bạn có. Chỉ có như vậy, bạn mới đủ tư cách nói bạn không phụ người bạn yêu.

Tình yêu và bánh mì, hy vọng bạn đều có được!

Theo Yingie - Design: Minh Trang/Tổ Quốc