Bộ phim "Reply 1988" để lại nhiều ấn tượng cho người xem trong đó có câu chuyện được nhiều người đưa ra bàn tán, phân tích như một lát cắt thể hiện xuất sắc tâm lý của người phụ nữ.

Tâm Anh 10:14 09/06/2021

Đó là câu chuyện của một bà mẹ có việc phải về quê. Trước khi đi bà đã chuẩn bị sẵn hết mọi thứ trong nhà và dặn dò 3 bố con về từng thứ một. Như là thức ăn để trong ngăn tủ lạnh, khi cần ăn thì lấy cái gì và hâm lại, theo thứ tự. Như là việc than để trong lò sưởi, khi thay than thì phải làm thế nào. Như là áo quần thì gấp để riêng từng loại, từng ngăn. Và dặn dò 3 bố con về việc cần phải sống khoa học, không được bừa bộn…

Nhưng khi bà mẹ vừa bước chân ra khỏi nhà, 3 bố con tưng bừng như mở hội, sống bừa bãi và không theo bất kỳ nguyên tắc nào, cảm giác sung sướng như vừa được… ra trại. Nằm kềnh ra nhà vừa ăn bỏng vừa xem tivi, áo quần vứt chỏng vó lung tung, than thay rớt độp rồi vỡ thì thôi, gọi toàn đồ ăn sẵn thay vì những món bà mẹ đã cầu kỳ chuẩn bị... Và khi nghe tin bà mẹ về, họ ngay lập tức dọn dẹp mọi thứ để đối phó và căn nhà trở nên sạch sẽ, mọi thứ đúng quy trình như trước đó bà mẹ đã dặn dò.

Thế nhưng khi về, nhìn thấy mọi thứ mình dặn dò được tuân thủ, bà mẹ lại buồn và không vui một chút nào. Bà cứ thế thất thần, ủ dột. Ba bố con không hiểu vì sao họ đã “đối phó” chỉn chu vậy rồi mà vẫn không làm mẹ hài lòng. Sau cùng, khi 1 cậu con trai đi hỏi bạn của mình, thì nhận được lời giải đáp. Rằng các bà mẹ thực chất luôn muốn thấy mình là người quan trọng, âm thầm nghĩ mấy bố con sẽ không thể sống tốt nếu thiếu mình.

Khi thiếu mình mà mấy bố con vẫn sống tốt thì cảm giác cô đơn, và buồn, thấy mình không phải là người quan trọng. Cậu con trai lớn về truyền lại với bố và anh trai, sau đó 3 bố con họ lại bừa bãi, lại để cho bà mẹ... có việc để làm, là quát mắng, nhắc nhở và luôn tay luôn chân chăm sóc từng người trong gia đình. Và cả nhà lại vui vẻ như trước.

Sự thật là có không ít người đàn bà thuộc tuýp trên. Chúng ta luôn muốn, hoặc tin rằng mình là người quan trọng. Thiếu mình thì mọi thứ trong nhà sẽ không thể vận hành êm xuôi được, sẽ rối tung rối mù lên. Vô tình, chúng ta luôn ràng buộc mình trong mớ trách nhiệm, và thậm chí luôn cảm thấy tội lỗi, ích kỷ nếu dành thời gian cho bản thân. Chúng ta không dám ra ngoài vào buổi tối, không dám đi ăn với bạn bè, không dám tiêu xài cho mình…

Phụ nữ luôn muốn họ phải là người quan trọng nhất (Ảnh minh họa) 

Hôm qua, mình đọc một câu chuyện. Một người đàn bà đột ngột qua đời ở tuổi 50. Trước đó, chị là một người vợ, người mẹ rất đảm đang và toàn vẹn với gia đình. Chị quay cuồng để lo cơm nước, dọn dẹp, chuyện học hành của con, sắp xếp trước sau đủ thứ từ lớn, bé. Chị luôn nói bận trước các cuộc tụ họp với bạn bè và lý do chính thì rõ ràng là “phải lo cho gia đình”. Sau khi chị mất, người bạn thân của chị tò mò, nghĩ chắc hẳn gia đình phải rối ren lắm vì không ai xoay xở cho.

Nghĩ chừng nỗi đau đã nguôi ngoai sau mấy tháng, cô bạn gọi điện cho anh chồng của người đàn bà xấu số kia. Cuộc gọi đầu tiên anh không nhấc máy. Nhưng sau đó, anh gọi lại và nói: “Tôi đang chơi tennis và không để ý điện thoại”. Khi cô bạn hỏi về việc nhà, anh bạn kia nói:

“Chúng tôi phải chấp nhận sự thật. Và tôi đã thuê thêm 2 người giúp việc. Mọi chuyện đều ổn”. Cuộc gọi điện hỏi thăm bị bỏ ngỏ vì cô bạn bị sốc. Cô nghĩ lại cuộc đời của bạn mình và rơi nước mắt.

Thực tế là vậy, chúng ta luôn có suy nghĩ rằng chồng, con sẽ rất lao đao, khốn đốn nếu không thể thiếu mình. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Vắng bạn, mọi người vẫn sẽ mất một thời gian để làm quen, nhưng sau đó thì mọi thứ đều đâu vào đó, thậm chí có thể tốt hơn nữa. Bởi bạn không phải là siêu nhân, không thể ôm đồm mọi thứ mà không cảm thấy bế tắc, mệt nhọc, áp lực. Cái năng lượng tiêu cực bạn trả lại cho gia đình đôi khi còn kinh khủng hơn là việc để họ tự xoay sở một thời gian.

Mình cũng đã từng mắc sai lầm như vậy. Mình từng tiếc tiền cho bản thân, không dám đi đâu qua bữa cơm và để cho chồng con ở nhà một mình, hoặc nếu đi cũng sẽ nấu sẵn đồ ăn, hướng dẫn đủ thứ từ cách hâm lại, cách cho con ăn, cách chơi với con… Đặc biệt là chồng mình lại thường nói: “Thiếu mẹ, mấy bố con không biết sống sao đâu” khiến mình sướng và lầm tưởng mình quan trọng lắm. Nhưng sự thật là ngược lại, mình chỉ ảo tưởng sức mạnh thôi. Và khi mình biết được sự thật, cuộc đời của mình như được… khai sáng.

Một chuyện đơn giản nhất, là mình dậy sớm đi tập yoga vào lúc 5h sáng. Trước đó, thằng Bút Chì vẫn còn thức dậy loanh quanh vào giờ này, dù đã cai ti nhưng rồi vẫn phải sờ ti mẹ mới ngủ được. Nếu không… sờ thấy mẹ, nó sẽ ngay lập tức ngoác miệng lên và gào khóc. Dù mình nhiều phen tức điên lên, gọi bố dậy để ru con ngủ tiếp nhưng nó lại chỉ đòi mẹ. Giãy giụa, ăn vạ, lăn lóc đủ kiểu, chỉ để đòi mẹ. Và mình phải chấp nhận sự thực là mình sẽ không thể ra khỏi giường vào giờ đấy được.

Nhưng khi mình hạ quyết tâm, chấp nhận mọi sự dằn vặt và cảm giác tội lỗi, để dù con có khóc vẫn đi. Thì dần dần, con chỉ khóc trong khoảng… 1 tuần. Và hầu như là mỗi lần mình về, con đều được bố ru ngủ rồi. Bố nói là vật vã lắm mới ru được, nhưng dù thế, thì rốt cuộc kết quả vẫn là ru được đó thôi. Sau đó thì khác, con không dậy nữa và ngủ một mạch đến sáng mai, chữa luôn được cái việc khó chuyển giấc của con. Sau chuyện này, mình càng tự tin hơn rằng, mình không phải là người quan trọng. Thiếu mình, bố con họ vẫn có thể xoay sở được với nhau.

Bạn có lần nào cảm nhận thấy những điều tương tự không, hay đã từng dũng cảm thấy mình không phải là người quan trọng với bất kỳ ai khác và đưa ra lựa chọn mình muốn? Rốt cuộc thì, mình chỉ quan trọng nhất với bản thân mình thôi, đồng ý không?

Theo Lá Xanh/Gia đình Việt Nam