Ly hôn, xin hãy để nó thành "Chúng mình kết hôn xong rồi" chứ không phải "Chào đón quý vị đến với chương trình ly hôn thế kỷ". Thật đấy!

12:53 13/04/2019

Vụ >ly hôn giữa bà Thảo và ông Vũ tưởng đã ngã ngũ khi toà phán quyết xong xuôi hôm 27/3 vừa rồi, thì mới đây, lại thêm phần kế tiếp: Đòi đoàn tụ.

Vụ ly hôn nghìn tỷ đã lại sắp ra phần mới. Nội dung trailer đưa ra rằng bà Thảo muốn đoàn tụ còn ông Vũ đòi chia lại từ 60/40 thành 70/30. Nếu nó chỉ là một kháng cáo kiểu bà Thảo đòi 50/50 hay ông Vũ thấy chưa thoả mãn với kết luận phiên toà thì hẳn công chúng sẽ ngán ngẩm bỏ qua. Nhưng trailer kiểu này thì hẳn mạng xã hội lại một phen hỗn loạn. Mọi người sẽ cùng chờ đợi lý do bà Thảo muốn đoàn tụ và tại sao ông Vũ tuyên bố "Tiền nhiều để làm gì" rồi mà vẫn kèo thêm 10% nữa thành 70/30?

Thật, một cuộc hôn nhân tốn quá nhiều giấy mực của báo chí lẫn mạng xã hội. Nó không chỉ khiến cư dân mạng chia làm 2 phe như thường thấy mà thành 5 phe, 7 phái với đủ mọi góc cạnh soi chiếu- bình luận. Từ chuyện khởi nghiệp kinh doanh từ hai bàn tay trắng đến nữ quyền bình đẳng giới, từ tiền nhiều để làm gì đến "người của giời", từ chuyện con cái đến chuyện mẹ chồng nàng dâu… Cứ như thể cuộc hôn nhân này là nồi lẩu thập cẩm đáp ứng mọi khẩu vị. Bởi có giàu như ông chủ Amazone thì cũng vài bài báo là xong. Đến giờ ai buồn nhắc tới? Có tiếng tăm như các ngôi sao showbiz thì cũng chỉ lời qua tiếng lại chục bài báo cũng cạn kiệt. Chuyện hôn nhân vợ chồng Thảo Vũ chưa khi nào hạ nhiệt. Và ngay khi nó vừa có dấu hiệu hạ nhiệt là lại nóng bừng lên với ông Chánh Án khuyên bà Thảo lui về hậu phương và giờ là đòi đoàn tụ.

Tại sao một cuộc ly hôn lại trở nên hot đến thế? Tại sao một câu chuyện tưởng chừng là rất riêng của cặp vợ chồng lại trở thành tâm điểm của dư luận? Tại sao chuyện nhà lại thành chuyện vỉa hè? Là bởi 2 nhân vật chính ấy vốn từ đầu đã đẩy mọi thứ lên mặt báo bằng việc họ nhiệt tình tham gia trả lời phỏng vấn thậm chí sử dụng chính mạng xã hội để lôi kéo sự chú ý của dư luận.

Hôn nhân, đó hẳn không phải là một thửa ruộng màu mỡ lắm đâu cho những nông dân cày cuốc. Bởi quanh đi quẩn lại nó cũng chỉ có chuyện vợ này xinh, chồng kia quan tâm đến vợ, ngoại tình, chồng lười… Mở rộng ra hơn thì có mẹ chồng- nàng dâu hay chuyện ly hôn. Làm sao mà nó thành một đề tài hấp dẫn báo chí thì khó như việc làm sao để hôn nhân bền vững vậy. Ấy thế mà ông Vũ bà Thảo đã làm được điều đó. Với đủ cung bậc cảm xúc và cả những phát ngôn mà không phải ai cũng biến nó thành lời trích dẫn được.

Tôi, một người chuyên viết về những chuyện hôn nhân- gia đình nể phục câu chuyện này. Tự thấy rằng mình có thể viết đến 1 vạn 8 ngàn bài về cặp đôi này nếu chỉ cần đi sau họ, góp nhặt lại những gì họ nói, họ làm, họ bày biện ra. Nhưng tôi, một người chuyên viết về những chuyện hôn nhân- gia đình lại chỉ thấy buồn, rất buồn khi phải chứng kiến câu chuyện này. Tự thấy rằng mình viết ra chữ nào là sứt mẻ chính lòng tin của mình vào hai chữ hạnh phúc trong hôn nhân vậy.

Cái cảm giác như thể hôn nhân nào cũng có thể được đem cân đong bằng lợi ích. Khi mà xung đột lợi ích choán hết cả tình cảm vợ chồng ngần đó năm. Khi mà xung đột lợi ích che khuất cả tầm nhìn về những đứa con. Khi mà xung đột lợi ích đánh chìm mọi giá trị của 2 chữ Cùng Nhau mà tôi hằng tự hào- yêu thích đến nghiện ngập. Cuộc ly hôn nghìn tỷ này xô vỡ khái niệm "vợ chồng cùng nhau tát biển đông cũng cạn", biến nó thành minh chứng của việc "nghèo thì gắn bó- giàu có thì cắn xé".

Nó khiến nhiều người nhếch mép bĩu môi vào những giá trị mà tôi hằng nâng niu, trân trọng về việc hai vợ chồng tay trắng lập nghiệp hạnh phúc bền lâu. Nó làm tôi cứ đau đớn mãi việc những đứa con mất bố dù có 10 tỷ mỗi năm, dù bố chúng vẫn xuất hiện lẫy lừng khắp mọi nơi. Và mẹ của chúng, cứ hoài huỷ chiến đấu cho quyền lợi của chúng mà thứ chúng cần chưa chắc là số phần trăm cổ phần ấy. Thứ lũ trẻ cần là một gia đình trọn vẹn. Nếu đã mất bố rồi thì phải luôn có mẹ. Sao đành có cha có mẹ mà vẫn có trẻ mồ côi như thế?

Hôn nhân nào rồi cũng có khi tàn cuộc, chẳng ai dám chắc được về hôn nhân của mình đâu. Bởi nó không phải được ràng buộc bằng hợp đồng. Bởi nó không được trói nghiến nhau bằng bất cứ ràng buộc pháp lý nào. Nó cũng có >đời sống của nó nên nó cũng có những tai nạn thương tâm, bệnh tật, sinh lão bệnh tử như một sinh mệnh.

 

Nên nếu một ngày nó ngã bệnh hay nó phải chết đi, thì xin đừng biến đám ma của nó thành bất cứ một bữa tiệc nào. Đừng biến nó thành ngày hội của báo chí- truyền thông- mạng xã hội. Đừng là "nóng" với "cập nhật" như một tin tức thời sự hay một scandal showbiz. Là ở chính hai người nhân vật chính ấy. Ly hôn, xin hãy để nó thành "Chúng mình kết hôn xong rồi" chứ không phải "chào đón quý vị đến với chương trình ly hôn thế kỷ". 

Bởi đằng sau đấy là những đứa con chứ không phải ai khác, phải kéo dài mãi nỗi đau được mẹ mất cha- có cha thì không có mẹ. Bởi đằng sau đấy là những đấng sinh thành ra mình, có bố mẹ nào vui nổi không khi con mình ly dị?

Thế nên, bom tấn này dù trailer rất đáng xem nhưng xem chỉ thấy buồn ơi là buồn vậy…

- Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả -

Theo Hoàng Anh Tú/Helino
Tags