Người lao động cả nước sắp được nghỉ 5 ngày liên tiếp cho dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và Giỗ tổ Hùng Vương. Đây cũng là lúc câu chuyện muôn thủa của những cặp vợ chồng “nóng” lên với chủ đề “về nội hay về ngoại”.

Hương Hương (t/h) 20:26 28/04/2023

Các kỳ nghỉ bao giờ cũng là niềm mong chờ của mọi người vì sẽ được xả hơi dài sau chuỗi ngày làm việc căng thẳng mệt mỏi. Đặc biệt năm nay, lịch >nghỉ lễ 30/4 và 1/5 người lao động được nghỉ liên tiếp lên đến 5 ngày do nối tiếp với ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.

Tuy nhiên, kỳ nghỉ lễ chưa tới thì nhiều gia đình đã có dấu hiệu lục đục, căng thẳng vì bất phân thắng bại chuyện về nội hay về ngoại.

Nghỉ lễ về nhà nội hay ngoại là đề tài khiến nhiều gia đình bất đồng (Ảnh minh họa)

Là phụ nữ, nhưng phải thừa nhận chị Nguyễn Thị Hương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) rất sợ những kỳ nghỉ dài dằng dặc ở nhà. Ngoài những bữa ăn liên hoan triền miên, con cái ở nhà bám ríu không buông, rồi làm “người phán xử” mỗi khi các con mâu thuẫn thì việc khiến chị đau đầu nhất là kế hoạch về quê.

Vì gia đình 2 bên cách xa nhau hơn 200 cây số nên mỗi dịp nghỉ lễ chỉ về được một nơi, do đó năm nào 2 vợ chồng chị cũng “mặt nặng mày nhẹ” chỉ vì >tranh cãi nghỉ lễ về quê nội hay ngoại.

“Năm nào cũng vậy, cứ đến sát ngày nghỉ lễ là vợ chồng mình lại mâu thuẫn. Chồng mình cũng muốn vợ con về nhà nội nghỉ lễ để sum họp cùng các anh chị nhà chồng. Còn mình thì lại muốn đưa chồng con về nhà ngoại. Nhiều năm không dung hòa được, mình phải về nhà chồng trong ấm ức. Kỳ nghỉ lễ cứ thế mà thấy tủi thân và căng thẳng”, chị Hương thừa nhận.

Vì dịp nghỉ Tết Nguyên đán cả gia đình đã về nhà nội nên dịp nghỉ lễ dài ngày này, chị Hương đề nghị với chồng rằng về nhà ngoại nghỉ lễ. Tuy nhiên, anh không đồng ý và cho rằng "thuyền theo lái, gái theo chồng", anh là con trưởng.

“Anh bảo tôi chỉ biết nghĩ cho bản thân, không nghĩ cho người khác. Nhưng khi tôi bảo về nhà nội 3 ngày sau đó về nhà ngoại chơi 2 ngày còn lại, chồng liền phản ứng: "Các con còn nhỏ, đi đi lại lại vất vả và tốn kém” và nói rằng sẽ về nhà ngoại vào những dịp cuối tuần khiến tôi vô cùng buồn bã.

Mỗi khi thấy bên nhà chồng đông đúc, mình lại chạnh lòng nhớ nhà. Ông bà ngoại ở quê cũng mong ngóng dịp nghỉ lễ dài ngày này con cháu về nhà sum vầy thế nhưng chẳng ai về được, ông bà cũng lủi thủi một mình”, chị Hương buồn rầu tâm sự.

Không ít chị em buồn rầu vì nghỉ lễ dài ngày không được về nhà ngoại (Ảnh minh họa)

Kết hôn đã 8 năm nay và có 2 đứa con nhỏ, vợ chồng chị Thanh Loan cũng đã ở riêng ở Hà Nội từng đó năm. Nhà chị cách nhà nội 100km và cách nhà ngoại 120km. Vậy mà một năm chị Loan về quê chồng không biết bao nhiêu lần. Dù cách nhà chồng có 20km, nhưng số lần về quê ngoại của chị Loan chắc chỉ 2 - 3 lần/năm.

Chính vì thế, 30/4 - 1/5 này, chị Loan dự định đưa 2 con về nhà ngoại chơi để thăm ông bà.

“Vừa tuần trước, vợ chồng tôi cũng có việc về quê nội và ở đấy cả tuần mới về Hà Nội. Do đó, lúc lên đây, tôi có nói với chồng 30/4 này sẽ về nhà ngoại. Bởi vì từ Tết Nguyên Đán, tôi chưa cho các cháu về thăm ông bà. Nhưng chồng tôi nhất quyết không đồng ý vì cho rằng nhà chồng neo người (có mỗi 2 ông bà) nên phải về cho ông bà đỡ buổn tủi, còn nhà tôi (bên ngoại) thì đông anh em hơn nên thiếu gia đình tôi cũng sao”, chị Loan bực bội nhớ lại.

Nghe chồng nói xong mà cả đêm Loan không ngủ được. Chị nghĩ mà uất nghẹn. Sao chồng chị lại ích kỷ thế, chỉ biết sống cho bản thân anh ấy. Càng nghĩ Loan càng giận chồng.

“Lần nào nghỉ lễ, vợ chồng tôi cũng chiến tranh lạnh cả tuần liền, chẳng ai nói chuyện với ai. Về quê nội thì không thoải mái, thương ông bà ngoại ở nhà ngóng mong con cháu. Mà cho con về ngoại thì vợ chồng lại mâu thuẫn, mặt nặng mày nhẹ, rất mệt mỏi”, chị Loan nói.

Dẫu biết, bên nào cũng là gia đình, cũng là nơi có người thân của chúng ta ở đó nhưng có lẽ câu chuyện về nhà nội hay về nhà ngoại của những cặp vợ chồng có 2 gia đình cách xa nhau vẫn là bài toán khó giải mỗi khi dịp nghỉ lễ tới.

 

Theo Thúy Ngà/ Gia Đình Việt Nam