Sinh con vốn là năng lực thiêng liêng của phụ nữ, nhưng trong thời buổi hiện đại ngày nay, khả năng sinh sản lại trở thành gánh nặng khiến phụ nữ phải suy nghĩ.
Cách đây không lâu, một người phụ nữ tên Mễ Đường đã chia sẻ rằng cô bị nhà trường khiển trách và thông báo phạt tiền vì mang thai không đúng thời điểm.
Cái gọi là “mang theo không đúng thời điểm” là một trong các quy định về việc sinh đẻ do trường mẫu giáo đề ra: Nữ giáo viên phải xin ý kiến nhà trường trước khi sinh, sau khi được chấp thuận, nữ giáo viên đó sẽ xếp hàng vào đội ngũ chờ sinh của trường.
Theo lịch sinh của Mễ Đường, cô sẽ được sinh con vào nửa cuối năm 2021. Nhưng hiện tại cô đã mang thai 3 tháng (tính từ tháng 7/2020), như vậy là vào đầu năm 2021, cô sẽ lâm bồn, như vậy bị xem là phạm quy.
Trước tình hình này, Mễ Đường đã đến gặp lãnh đạo nhà trường và mong được bố trí và sắp xếp lại công việc, thế nhưng câu trả lời của nhà trường chính là Mễ Đường đã phạm quy, và sau khi xem xét tình hình chung, cô bị yêu cầu nộp tiền phạt theo quy định vì “dám sinh sớm”.
Nhà trường đã ra thông báo phạt Mễ Đường với lý do “làm ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy bình thường của trường”. Đây không phải là trường hợp đặc biệt, các đơn vị giảng dạy khác cũng có nhiều hình thức xử phạt khác nhau đối với nữ giáo viên “mang theo không đúng thời điểm”, như hủy bỏ tiền thưởng hai năm, thậm chí nghiêm trọng hơn là trực tiếp sa thải.
Nhưng xét cho cùng, kẻ yếu không thể địch lại kẻ mạnh, đa số mọi người vẫn phải ngoan ngoãn xếp hàng chờ sinh. Trên thực tế, chuyện xếp hàng chờ sinh tưởng chừng vô lý nhưng lại xảy ra thường xuyên đối với chị em công sở ở Trung Quốc.
Khi việc sinh con của phụ nữ giống như… nặn tò he?
Câu chuyện của Mễ Đường không phải là trường hợp hiếm hoi. Trong những năm qua, rất nhiều phụ nữ đã rơi vào tình trạng tương tự, khi việc “xếp hàng chờ sinh” vẫn diễn ra phổ biến.
Theo Nhật báo Viện kiểm sát cho biết, vào tháng 10/2018, một nữ giáo viên tên Phan Giai Di đang công tác tại trường mẫu giáo nổi tiếng ở Trung Quốc đã bị nhà trường sa thải với lý do phạm vào quy định của nhà trường là “nhảy hàng sinh đẻ”.
Theo quy định trong trường mẫu giáo của Phan Giai Di, các nữ giáo viên khi muốn sinh con phải làm giấy xin phép, sau đó phía nhà trường sẽ đánh giá rồi cho điểm nữ giáo viên đó. Căn cứ theo số điểm để xác định được ai sinh trước ai sinh sau, nếu như người lao động nào vi phạm sẽ bị xử lý bằng cách sa thải.
Ngày 28/6/2020, Học viện Báo chí và Truyền thông Hà Bắc thậm chí còn công khai chỉ trích một cô giáo khi dám “nhảy hàng sinh đẻ” trong nhóm WeChat của trường.
Trong “Thông báo về việc báo cáo kế hoạch hóa gia đình ở trường”, các giáo viên nào không thông báo về việc có thai sẽ bị nêu tên và phê bình, và cuối cùng họ sẽ bị trừ 6 tháng lương và hủy bỏ đánh giá chức danh nghề nghiệp.
Năm 2016, trường Trung học số 1 ở huyện Trung Mưu, tỉnh Hà Nam đã quy định số lượng giáo viên được sinh đẻ, 15 người vào nửa đầu năm 2016, và 16 người vào nửa cuối năm 2016.
Trên thực tế, không chỉ riêng nghề giáo viên mới phải “xếp hàng sinh con”, ở những đơn vị làm việc mà phụ nữ chiếm đa số, kiểu quy định “xếp hàng chờ sinh” cũng rất phổ biến.
Năm 2016, một nữ y tá ở Đông Hoản, Quảng Đông, Trung Quốc đã phàn nàn với truyền thông rằng bệnh viện yêu cầu các nữ y tá phải xếp hàng để sinh con thứ 2. Nếu như họ bị phát hiện mang thai sớm, thì một nửa số tiền thưởng sẽ bị trừ vào tháng sau.
Người khiếu nại còn cung cấp cho phóng viên một văn bản “Quy định tăng cường quản lý nhân sự” không có chữ ký xác nhận. Tài liệu này nói rằng “nếu không tuân thủ đúng quy định xếp hàng chờ sinh thì tiền thưởng sẽ bị trừ, việc thăng cấp sẽ bị trì hoãn và tiêu chuẩn đánh giá trong vòng 3 năm sẽ bị hủy bỏ”.
Năm 2003, đường dây trợ giúp về quyền lao động ở Thượng Hải cũng nhận được đơn khiếu nại từ các nhân viên nữ không muốn nêu tên, họ phàn nàn rằng họ buộc phải xin phép công ty hoặc sau khi xin phép phải đợi được chấp thuận rồi mới có thể mang thai và sinh con, đồng thời còn xếp hàng để lấy số.
Từ những thông tin trên, không khó để nhận thấy có nhiều đơn vị xử lý việc sinh đẻ của nữ nhân viên còn yếu kém. Thậm chí, còn có công ty hay đơn vị “ra lệnh” cho các nữ nhân viên chỉ được nghỉ thai sản trong vòng 3 tháng.
Đối mặt với việc sinh nở, tại sao phụ nữ lại “thấp cổ bé họng” như vậy?
Trên thực tế, các công ty này này đã ngang nhiên nâng việc can thiệp vào khả năng sinh sản của nữ giới lên “quy định rõ ràng”, rõ ràng là vi phạm pháp luật.
Nhưng so với những mất mát tại nơi làm việc mà phụ nữ phải chịu sau khi mang thai, thì việc xếp hàng chờ sinh cũng không đến nỗi quá đáng.
Ở trường mẫu giáo của Mễ Đường, không chỉ có quy định “xếp hàng chờ sinh” mà thậm chí còn có quy tắc luật bất thành văn chính là “thời gian nghỉ thai sản bị rút ngắn”.
Mễ Đường nói rằng, một giáo viên khác trong trường của cô đã được nhà trường đề nghị trở lại trường làm việc trong thời gian nghỉ thai sản, nếu như không đồng ý thì chỗ của cô này sẽ được giao cho người khác, điều này đồng nghĩa với việc người đó sẽ bị mất việc sau khi nghỉ thai sản.
Ngày 16/9/2018, cô Vương từ một công ty điện tử ở Dương Châu đã bị chuyển sang chi nhánh khác với mức lương thấp hơn sau khi cô mang thai. Tuy nhiên, tại đây, cô cũng không được phép vào nhà máy và các tòa nhà văn phòng vì lý do an toàn. Tất cả đều là cố gắng buộc cô phải tự nguyện thôi việc.
Ngay cả đối với những người phụ nữ phải vật lộn để thăng tiến lên chức quản lý cũng có thể đối mặt với khủng hoảng sau khi mang thai.
Một nữ giám đốc họ Lưu 34 tuổi, công tác tại công ty Internet ở Bắc Kinh, sau khi thông báo mang thai và quyết định sinh con, các giám đốc điều hành đã chúc mừng cô và nhanh chóng tìm một người khác thay thế. Một tháng sau, cô Lưu bị sa thải với một vài lý do không chính đáng. Đối với phụ nữ công sở, việc sinh con sẽ gặp rất nhiều trở ngại, quan trọng hơn, phụ nữ sau khi sinh sẽ ít dành sức lực cho công việc.
Tóm lại, việc sinh con không phải do một mình phụ nữ gánh chịu mà xã hội và gia đình cũng cần phải hỗ trợ một cách thiết thực hơn. Thay vì thúc giục phụ nữ phải mạnh mẽ hơn khi làm mẹ, thì điều xã hội cần làm là thiết lập được hệ thống sinh sản tốt hơn, phân công lao động hợp lý hơn.
Suy cho cùng, nếu không có những chính sách và quyền lợi hỗ trợ cho việc sinh con của phụ nữ, sợ rằng họ sẽ còn đối mặt với những chiêu trò xấu xa hơn là “xếp hàng chờ sinh”. Về phía gia đình, những người chồng cũng cần phải phân bổ công việc để giúp đỡ vợ khi mang thai hoặc khi nghỉ thai sản, chung tay giúp sức >chăm sóc con để vợ vừa có thể làm việc, vừa có thể làm tròn trách nhiệm người mẹ.