Tôi không nghĩ rằng phụ nữ mạnh mẽ hơn đàn ông, nhưng sau một cuộc ly hôn hay một cuộc tình dài lâu tan vỡ, rất nhiều đàn ông tỏ ra yếu đuối hơn phụ nữ. Tuy nhiên, người có khuynh hướng muốn hàn gắn lại thường là đàn bà.
Anh họ tôi trước đây từng có một gia đình đầm ấm và rất hạnh phúc. Cặp đôi ấy đã từng đi thi gia đình hạnh phúc cấp quận và được giải nhất. Thật vinh dự.
Cuộc sống là một quá trình rất nhiều các thử thách giấu mặt, nó không dễ như những cuộc thi, có sẵn từng câu hỏi và có các vị giám khảo phân định đúng sai. Thế nên, sau đó họ chia tay.
Sau >ly hôn, đàn bà cũng hụt hẫng. Cái hụt hẫng trống vắng giống như vừa hất được cái gì đó đè nặng trong lòng, nhưng lại thấy vô cùng trống trải, lo sợ và tủi hờn. Tủi cho mình, hờn số phận. Nhưng cái đó cũng qua nhanh. Đàn bà nhanh hơn trong việc bắt nhịp và tổ chức lại cuộc sống mới. Cũng nhanh hơn trong việc thu xếp và gói ghém các nỗi đau.
Đàn ông sau ly hôn một vài hôm có cảm giác hả hê, phủ phê. Cái cảm giác hằn học tức tối ấy qua rất nhanh nhường chỗ cho sự hụt hẫng, hụt hẫng giữa những thói quen, hụt hẫng trong việc hoạch định và tổ chức lại cuộc sống. Đàn ông sau đổ vỡ yếu đuối đi nhiều. Yếu đuối ngay cả trong cái việc họ phải gồng mình lên để tỏ ra ta không từng đau khổ. Rất nhiều người sau ly hôn đã không tìm lại được cuộc sống mới đúng nghĩa cho mình, họ bị tụt lùi với chính bản thân. Bê tha và dần đi vào ngõ cụt.
Tuy nhiên, không vì yếu đuối hơn mà người >đàn ông có thiện chí hàn gắn hơn >phụ nữ . Trái lại, sau ly hôn người phụ nữ mới là người muốn níu kéo, muốn hàn gắn hơn đàn ông vì những đứa con của họ.
Trường hợp anh họ tôi cũng thế, hai năm sau ngày "đoạt giải" gia đình hạnh phúc thì anh chị chia tay. Rất có thể, cái ảo ảnh vinh quang được cấp bằng về hạnh phúc đã làm cho anh chị chủ quan và đánh rơi nhau, đánh rơi hạnh phúc của mình chăng.
Thực ra để làm một cuộc cách mạng cho hôn nhân, dù theo tình huống xấu nhất đó là ly hôn thì pháp luật cũng tốn nhiều giấy mực, và người trong cuộc cũng lao tâm khổ tứ và tốn nhiều thứ lắm.
Sau khi ly hôn, những đứa con của anh chị đã kéo họ xích lại với ý nghĩ muốn hàn gắn.
Hàn gắn chiếc bình nứt thôi đã khó, huống gì hàn gắn cả một cuộc tình. Hàn bất cứ vật gì thì người ta chắc chắn phải làm sạch bề mặt vật chủ, hôn nhân cũng thế thôi. Chị vợ anh tôi nhiều lần cố nhịn nhục để hàn gắn nhưng lần nào cũng vậy, chị không thể cố. Vì anh không cho chị lối đi.
Vấn đề chị gặp phải ở đây là cứ mỗi lần vợ chồng “gần gũi” nhau, ban đầu thì anh âu yếm, vuốt ve nhưng ngay sau đó lại chì chiết, gay gắt hỏi những câu hỏi xuẩn ngốc: "Tao “ấy” mày có sướng như thằng ABCGXYZ không?”.
Thông thường, để giải quyết mâu thuẫn, giận hờn giữa vợ chồng, cách ngắn gọn tiết kiệm nhất chính là hai người tự lẫn vào nhau trên giường ngủ. Nhưng anh tôi chả lẫn, chả quên thì hỏi còn có cách nào đây? Không kể, mỗi một lúc trái gió trở trời, tâm tính không ổn định, anh lại đày đọa chị bằng những trận đòn đau.
Có cả tỷ thứ ấm ức ngờ vực trong tim mỗi người khó mà gạt bỏ, khó mà xuê xoa nếu mỗi người không tự nhận lấy cái sai, gạt đi cái sĩ diện ảo của mình.
Chia tay và hàn gắn đều rất cần những bao dung, mọi lời nói đều rất dễ, nhưng bao dung vị tha thôi chưa đủ. Hàn gắn cần sự tinh tế trong mỗi người. Tinh tế để đủ cảm nhận về mình, về người, và để biết lắng nghe nhau.